Trong bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6 mà WB đưa ra ngày 3/6/2020 đã đưa ra những ghi nhận tích cực và lạc quan về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhưng cũng lưu ý đến khả năng tác động đến lạm phát do nới lỏng tiền tệ và bội chi tăng cao do thu từ thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu.
Điểm lại những diễn biến kinh tế gần đây, điều đầu tiên WB nói là kết quả chống dịch COVID-19: Việt Nam đã bước sang ngày thứ 45 không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Hiện chưa có ca tử vong nào.
Tiếp đến, WB ghi nhận kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc trở lại. Sau khi bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội gần như tuyệt đối khắp toàn quốc trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 5 bật tăng 11% so với tháng 4.
Doanh số bán lẻ cũng phục hồi mạnh vào tháng 5. Vận tải hành khách và hàng hóa tăng lần lượt 116% và 32% trong tháng 5 so với tháng 4, nhờ các biện pháp hạn chế đi lại trong nước được từng bước nới lỏng từ ngày 23/4. Tình trạng hồi phục được minh chứng qua chỉ số đi lại của Google với mức tăng từ âm 30% từ giữa tháng 4 lên âm 5% trong tuần từ 25/5 so với các mốc trước dịch COVID.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam trong tháng 5 nhưng với tốc độ chậm hơn so với báo cáo cho tháng 4. Trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị FDI cam kết lên đến 13,9 tỷ USD - vẫn ở mức cao nhưng thấp hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo quan sát của WB: Nền kinh tế Việt Nam phản ứng nhanh ngay sau khi những biện pháp giãn cách xã hội trong nước được nới lỏng trong tháng 5, với mức tăng 10% trong ngành chế tạo, chế biến và doanh số bán lẻ.
Tín dụng phân bổ cho nền kinh tế ước tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước trong bốn tháng đầu năm 2020. Theo WB, tăng trưởng tín dụng thể hiện phản ánh chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng nhằm ứng phó khủng hoảng COVID. Vào thời điểm giữa tháng 5, NHNN cắt giảm 3 mức lãi suất chính (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua giấy tờ có giá và lãi suất chiết khấu) ở mức 50 điểm cơ bản mỗi mức. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm từ 6% xuống 5,5%, còn trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng được giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm, tùy theo kỳ hạn.
Dù vậy, theo WB nền kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, các hoạt động kinh tế vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước COVID. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu bị ảnh hưởng do sức cầu trên toàn cầu yếu đi.
Trong khi đó, Chính phủ tiếp tục sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để bù đắp cho tác động tài chính của khủng hoảng virus corona, dẫn đến tín dụng ngân hàng trong nước tăng trưởng cao và số thu ngân sách sụt giảm nghiêm trọng.
“Số liệu GDP quý dự kiến được công bố đầu tháng 7 sẽ giúp theo dõi tốt hơn quỹ đạo kinh tế của Việt Nam, nhưng cho dù số liệu như thế nào, chúng ta vẫn cần lưu ý hơn đến khả năng tác động đến lạm phát do nới lỏng tiền tệ và bội chi tăng cao do thu từ thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu”, WB lưu ý.
Theo Thời báo Ngân hàng