có tên trong danh sách "ông lớn" bất động sản ôm nợ trái phiếu nhiều nhất.
Nhiều trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo
Theo Bộ Tài chính, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành năm 2021 đạt 639.766 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020 (466.826 tỷ đồng), chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ đạt 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020, tổng khối lượng TPDN chào bán ra công chúng trong năm 2021 đạt 34.146 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020.
Quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2021 tương đương 18,2%GDP, tăng 42,4% so với cuối năm 2020 (17,11%GDP).
Trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022 mà Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng, cơ quan này đã điểm mặt 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua.
Tổng khối lượng trái phiếu phát hành của 20 doanh nghiệp này năm vừa qua đạt trên 100.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng lượng trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản trong năm. Đáng chú ý, tại nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu đã lên tới hàng chục lần. Lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.
Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp bất động sản có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất năm vừa qua như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas...
"Ông lớn" bất động sản phát hành trái phiếu để vay nợ
Nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về nợ vay TPDN trong năm vừa qua có: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas và Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland)... Nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu trong năm 2021 đã huy động trên 6.900 tỷ đồng nợ vay TPDN để làm dự án bất động sản.
Trong nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN để vay nợ nhiều nhất trong năm 2021 theo Bộ Tài chính còn có nhiều "ông lớn" trong ngành bất động sản như: Công ty CP đầu tư Golden Hill, Công ty CP đầu tư Tân Thành Long An, Vinaconex, Công ty CP thương mại - quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân (TNR Holdings)...
Doanh nghiệp phát hành TPDN vay vốn ít nhất trong nhóm 20 doanh nghiệp là Công ty CP vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang, huy động khoảng 2.736 tỷ đồng, với lãi suất 10%/năm, trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ khoảng 639 tỷ đồng.
Tỷ lệ vay gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu
Theo danh sách Bộ Tài chính công bố, trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua đã nhiều doanh nghiệp phát hành với tỷ lệ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu.
Nhiều doanh nghiệp có lượng trái phiếu phát hành cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas, khối lượng phát hành bằng 4.705% vốn chủ sở hữu. Cụ thể, công ty Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.
Công ty CP Osaka Garden phát hành bằng 2.852% vốn chủ sở hữu. Năm vừa qua, công ty này phát hành 7.700 tỷ trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ khối lượng phát hành trái phiếu/vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới 28,5 lần.
Ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, hàng loạt doanh nghiệp đang có lượng phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần; Công ty CP Hoàng Phú Vương và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Residence cùng gấp 6 lần...
Tăng cường quản lý, thanh tra thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Cuối tháng 4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ.
Chỉ thị nêu rõ, thị trường TPDN đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng theo đúng chủ trương của Nhà nước và phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh đã phát sinh các rủi ro tiềm ẩn, một số hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ trong thời gian gần đây có vi phạm và một số sai phạm nghiêm trọng mang tính chất lừa đảo đã được cơ quan có thẩm quyền khởi tố.
Từ tháng 9/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ có 04 công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường TPDN (Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021, Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 30/3/2022, Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022, Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 về tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường TPDN và các biện pháp ổn định thị trường); Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có 03 công văn chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý giám sát, kiểm tra tình hình thị trường TPDN. Ngày 18/4/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về việc triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội rà soát các doanh nghiệp phát hành còn dư nợ trái phiếu riêng lẻ (tại thời điểm 31/3/2022) để đề xuất danh sách các doanh nghiệp cần kiểm tra, thanh tra gửi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo các tiêu chí: Khối lượng khi phát hành và khối lượng dư nợ lớn; có số đợt phát hành nhiều, liên tục; phát hành lãi suất cao; doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh thua lỗ… hoàn thành trước ngày 3/5/2022.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì phối hợp khẩn trương kiểm tra giám sát tình hình phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về TPDN tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp phát hành lớn, báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính, hoàn thành trước ngày 10/5/2022.