Tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra trong 2 ngày 6 - 7/7, công tác quy hoạch và thu hồi các dự án chậm tiến độ được đặc biệt quan tâm. Bí thư quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải cho biết, quận Nam Từ Liêm còn 132 dự án đang nằm chờ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), các thủ tục liên quan đến quy hoạch…
Ông Hải cho rằng, cần xem xét, đánh giá công tác lập, thẩm duyệt quy hoạch để làm sao quy hoạch đạt chất lượng tốt hơn, nhanh hơn. Theo ông, việc chậm triển khai dự án là do quy hoạch. Nguyên tắc lập quy hoạch là quy hoạch cấp trên rồi mới làm quy hoạch cấp dưới. Thực tiễn, quy hoạch cấp trên chưa lập, đã phải lập quy hoạch cấp dưới.
“Chúng ta chưa quan tâm thực sự đến nhân lực, bộ máy lập quy hoạch, nếu có chế độ đặc biệt cho bộ máy này, đặc biệt là thời gian thì chắc chắn quy hoạch sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho thành phố”, ông nói.
Ông Đỗ Mạnh Hải, Bí thư quận ủy Long Biên, đề nghị phải có giải pháp tích cực như: quy hoạch, kiểm soát năng lực chủ đầu tư. Về nguyên nhân các dự án chậm trễ, ông nói: “Mấu chốt vẫn là khâu GPMB, cần nghiên cứu để có cơ chế GPMB linh hoạt hơn nữa. Đặc biệt là chính sách tái định cư bằng nhà, đất… cần tùy điều kiện từng địa phương. Sắp tới bỏ hộ khẩu giấy, vậy không nhất thiết phải tái định cư trên địa bàn quận đó mà có thể mở rộng hơn. Khi có mặt bằng sạch thì có thể ấn định được ngày dự án hoàn thành”.
Gỡ khó cho 64/383 dự án chậm triển khai
Theo báo cáo trả lời ý kiến cử tri quanh việc xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo về việc rà soát 383 dự án theo danh mục của HĐND thành phố trong đó giao Sở TN&MT chủ trì rà soát đối với 295 dự án đã được giao đất hoặc được Sở TN&MT thanh tra xử lý về đất đai; giao Sở KH&ĐT Hà Nội rà soát, đề xuất phương án xử lý 88 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy một số nguyên nhân dẫn đến dự án chậm triển khai. Cụ thể, một số lĩnh vực, cơ chế chính sách của Nhà nước liên quan lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, không thống nhất; văn bản hướng dẫn ban hành chậm, nhiều thay đổi, nội dung khó triển khai trong điều kiện thực tiễn dẫn đến tình trạng các thủ tục về đầu tư xây dựng thường kéo dài.
Do thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, thực hiện quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, phải tạm dừng triển khai các dự án đang triển khai để khớp nối, có phương án xử lý cho phù hợp.
Thành phố phải tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch khu đô thị vệ tinh làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch dẫn đến các dự án phải điều chỉnh, chậm tiến độ. Thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng, nguồn vốn đầu tư giảm; một số dự án xảy ra tranh chấp, khiếu nại, tố cáo hoặc huy động vốn trái phép, do đó phải chờ cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, giải quyết dẫn đến dự án chậm triển khai hoặc kéo dài thời gian thực hiện.
Một số dự án tuy không bị ảnh hưởng bởi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nhưng để phù hợp với nhu cầu thị trường, chủ đầu tư dự án vẫn đề nghị điều chỉnh quy hoạch dự án làm cho kéo dài thời gian triển khai. Một số trường hợp cố ý chây ỳ, không làm thủ tục, chậm giải phóng mặt bằng đưa đất vào sử dụng để chưa phải nộp nghĩa vụ tài chính. N
Sở đã có kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư đối với 28 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất; kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn.
Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất đối với 25 dự án, tổng diện tích 39ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trước đây, HĐND đã rà soát có 383 dự án chậm triển khai, một năm vừa qua đã giải quyết khó khăn cho 64 dự án.
Chủ tịch UBND thành phố nói rằng, sau khi hợp nhất Mê Linh (Vĩnh Phúc) và Hà Tây vào Hà Nội thì nhiều dự án chờ quy hoạch phân khu và sau khi có quy hoạch phân khu thì họ mới làm được quy hoạch chi tiết. Sau đó các dự án này chậm lại. Riêng huyện Mê Linh có 47 dự án chậm triển khai dạng này thì đến nay đã giải quyết được 29 dự án.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, vẫn có tình trạng chủ đầu tư năng lực yếu, cố tình dây dưa chậm triển khai. Trong khi đó, chính quyền có biểu hiện thiếu quyết liệt trong xử lý thu hồi. Một số trường hợp gặp vướng mắc khi chủ đầu tư đã ít nhiều đầu tư tiền vào dự án như giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng... nhưng sau đó lại để hoang.
Bổ sung danh mục dự án thu hồi đất
Ngày 7/7, Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2020; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020. Theo đó, điều chỉnh giảm 34 dự án thu hồi đất năm 2020 với diện tích 78,94ha và 15 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2020 với diện tích 24,59 ha. Bổ sung danh mục 352 dự án thu hồi đất bổ sung năm 2020, với diện tích là 1.359,73ha (291 dự án vốn ngân sách và 61 dự án vốn ngoài ngân sách); bổ sung danh mục 230 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020, với diện tích là 403,09ha (203 dự án vốn ngân sách và 27 dự án vốn ngoài ngân sách).
Theo Báo Tiền phong