Dự án khách sạn của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy từng bị xử phạt vì thi công “chui”. (Ảnh: Thanh Niên). |
Thanh tra chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Bản kết luận đã nêu tên các lãnh đạo của UBND tỉnh này với rất nhiều sai phạm, và kiến nghị Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Thu hồi 3 dự án
Đưa tin về kết luận, Báo Thanh Niên cho hay: Phần lớn sai phạm mà Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra là giao đất, thuê đất không qua đấu giá, không đưa đất vào sử dụng, không chấp hành nghĩa vụ tài chính, đơn giá thuê đất chưa sát thị trường, vi phạm quy định nhưng chậm hoặc không được xử lý...
Trong số này, đáng chú ý là việc TTCP kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của 3 dự án do qua kiểm tra, xác minh có vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư, các dự án gồm:
- Dự án vườn ươm do Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt thuê tại phường 7, thành phố Đà Lạt;
- Dự án xây dựng Khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp King Palace do Công ty TNHH Hoàn Cầu làm chủ đầu tư tại đường Trần Quang Diệu, phường 10, thành phố Đà Lạt;
- Dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng do Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn- Đại Ninh làm chủ đầu tư.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Dự án vườn ươm do Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt thuê tại phường 7, TP Đà Lạt với diện tích gần 50.000m2. Theo cơ quan thanh tra, trong nhiều năm qua chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án, chưa làm thủ tục điều chỉnh tên Công ty sau khi cổ phần hóa, chưa điều chỉnh tên hợp đồng thuê đất đã ký, chậm triển khai dự án do vướng khiếu nại của người dân.
Với dự án khu du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp King Palace do Công ty TNHH Hoàn Cầu đầu tư. Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định cho Công ty này thuê nhà, đất Dinh I để đầu tư khu du lịch khi không có trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 là vi phạm quy định Luật đất đai 2013.
Việc cho thuê nhà đất Dinh I và các biệt thự trên khuôn viên 1,86ha không thông qua đấu giá là vi phạm nghị định 52 năm 2009 của Chính phủ.
Dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng do Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư, cơ quan thanh tra cũng phát hiện hàng loạt sai phạm.
Dự án này có diện tích sử dụng đất khoảng 3.595ha tại 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, huyện Đức Trọng.
Năm 2012, tỉnh Lâm Đồng có quyết định cho phép công ty này chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án kể trên, với tổng diện tích đất chuyển mục đích hơn 323ha. Tổng số tiền sử dụng đất phải nộp hơn 226 tỷ đồng. Sau khi miễn giảm 30%, số tiền sử dụng đất còn phải nộp hơn 158 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó Công ty trên không tuân thủ nghĩa vụ tài chính, không nộp số tiền sử dụng đất hơn 158 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2018, tiền phạt chậm nộp của dự án khoảng 104 tỷ đồng. Đồng thời, công ty còn nợ đọng số tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng hơn 6,6 tỉ đồng.
Thế nhưng đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có quyết định số 2020 điều chỉnh quyết định số 293 năm 2012. Trong quyết định mới có nội dung chưa thực hiện chuyển mục đích sang đất ở đối với diện tích hơn 166ha đã được chuyển mục đích từ năm 2012.
Theo đó, diện tích đất ở đã được chuyển đổi từ năm 2012 trở về trạng thái đất chuyên dùng và công ty không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với số tiền hơn 262 tỷ đồng, bao gồm cả tiền phạt chậm nộp.
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc UBND tỉnh không quyết định thu hồi đất là chưa thực hiện đúng theo quy định Luật đất đai 2013, thể hiện sự tùy tiện, chạy theo chủ đầu tư trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
Trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm nêu trên thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Kế hoạch và đầu tư, Cục trưởng Cục Thuế.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan kiểm tra, thẩm định lại giá cho thuê đất các dự án trung tâm thương mại và dịch vụ giải trí của Công ty CP đầu tư Phong Vân, dự án xây dựng khách sạn 5 sao tại số 1 Hùng Vương (TP Đà Lạt), khu trưng bày sản phẩm kinh doanh dịch vụ ôtô tại quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt...
Công ty Cadasa thuê đất không trả tiền
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu xử lý dứt điểm việc thu hồi 13 biệt thự do Công ty đào tạo nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin Cadasa (tại số 16 Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt) thuê và tiến hành thu hồi ngay các khoản tiền Công ty Cadasa còn nợ, nộp ngân sách nhà nước.
“Trong trường hợp công ty cố tình dây dưa, kéo dài, không chấp hành, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật hiện hành”, Cơ quan Thanh tra nhấn mạnh.
Tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các dự án giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá; kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng phải chỉ đạo rà soát, chấm dứt hoạt động, thu hồi đất theo quy định đối với 44 dự án không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không triển khai đầu tư vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư.
Tuỳ vào vi phạm cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định và chịu trách nhiệm về hướng xử lý theo quy định.
Trước đó, công ty này được UBND tỉnh cho thuê 13 biệt thự vào năm 2005. Nhưng thời gian thuê năm 2005-2015, Công ty Cadasa thực hiện nghĩa vụ tài chính không đầy đủ với số tiền còn nợ hơn 53,6 tỷ đồng.
Ngoài khoản nợ này, từ 2016 đến nay công ty chưa trả lại nhà đất cho thuê, vẫn sử dụng nhà đất vào kinh doanh nhưng không kê khai, nộp tiền thuê đất.
Năm 2017, UBND tỉnh có văn bản thu hồi các biệt thự, không cho Công ty thuê tiếp. Sau khi bị thu hồi, Công ty Cadasa khiếu nại, làm đơn kiện UBND tỉnh và tòa án đã tuyên hủy quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh.
Hiện nay, Sở Tài chính đang khởi kiện Công ty Cadasa yêu cầu nộp tiền thuê đất, bàn giao lại biệt thự nhưng tòa án chưa đưa vụ việc ra xét xử.
PV