Tràn lan dịch vụ quảng bá, livestream khoe giao dịch tiền tỷ

Tài chính doanh nghiệp 08:32 05/08/2020

Việc mua bán hoa lan với số tiền giao dịch lớn, không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước tạo nên “bong bóng đầu tư”, “mắc bẫy” các đường dây lừa đảo.

Cơn sốt lan rộng khắp mọi miền

Theo giới chơi lan, trong khoảng 2 năm trở lại đây, cơn sốt lan đột biến gene tự nhiên có màu sắc và hình dáng độc lạ ngày càng lan rộng ra nhiều vùng miền. Nhiều vụ mua bán, trao đổi hoa lan mới đầu chỉ vài chục triệu đồng, sau đó đã nhanh chóng tăng lên tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Điều đáng nói là các hoạt động này diễn ra công khai, phô trương, thậm chí được quảng bá, livestream rộng rãi trên mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok...

Mới đây nhất, cộng đồng chơi lan rầm rộ chia sẻ hình ảnh chậu lan Juliet với độ dài chừng 20-30cm được giao dịch với giá 83 tỷ đồng.

Đầu tháng 7, một kie (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ) từ chậu lan đột biến có tên gọi "Huyền thoại bướm đại ngàn" đã được bán thành công với giá 15 tỷ đồng.

Vào giữa tháng 6, tại Bình Phước anh Nguyễn Thanh Xuân (35 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã mua vào 3 cây lan đột biến gene với giá 32 tỷ đồng gồm: cây Bảo Duy 5 cánh trắng giá 12 tỷ đồng, một cây Bảo Duy 5 cánh trắng khác giá 9,9 tỷ đồng và một cây Da Vàng 10 tỷ đồng…

Đầu tháng 6, tại Hà Nội, cuộc chuyển nhượng giỏ lan đột biến - 5 cánh trắng vọng xưa - có giá trị 5 tỷ đồng giữa nhà vườn Tấn Phong (Hà Đông) cho anh Nguyễn Huy Tuyến (Hà Đông, Hà Nội) cũng đã thành công.

Biến tướng theo mô hình đa cấp

Liên quan tới việc chuyển nhượng hoa lan đột biến gene, công an Tuyên Quang vừa có văn bản cảnh báo về nguy cơ rủi ro từ phong trào chơi hoa lan đột biến gene trên địa bàn.

Theo nhận định của cơ quan công an, các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nguy cơ biến tướng theo mô hình đa cấp, hoặc tội phạm rửa tiền lợi dụng hoạt động.

Bên cạnh đó, chất lượng hoa lan không hề có sự bảo đảm, chứng nhận hợp pháp; các giao dịch chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận bởi người bán với người mua, dễ phát sinh lừa đảo, mâu thuẫn, tranh chấp sau giao dịch. Việc mua bán hoa lan với số tiền giao dịch lớn, không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước tạo nên “bong bóng đầu tư”, tiềm ẩn nguy cơ chống phá về an ninh kinh tế của các thế lực thù địch.

Ngoài ra, công an Tuyên Quang cho rằng, nhiều người tham gia đầu tư vì vụ lợi, mong muốn làm giàu nhanh, thiếu kiến thức, bất chấp rủi ro huy động vốn từ người thân, bạn bè, vay mượn ngân hàng, các nguồn vốn ngoài xã hội, thậm chí “tín dụng đen” để đầu tư. Điều này dẫn đến nguy cơ có thể vỡ nợ dây truyền và phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật từ hoạt động “tín dụng đen”.

Giữa tháng 6, lãnh đạo Vụ Tuyên truyền – Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết đã trao đổi với Cục Thuế Bình Phước để kiểm tra thông tin, rà soát về việc chuyển nhượng lan đột biến với giá vài tỷ đồng. Theo lãnh đạo Vụ Tuyên truyền – Hỗ trợ người nộp thuế, với những hình ảnh, video trên mạng xã hội về giao dịch giò lan có giá tới hàng chục tỷ đồng thì phải xác định cụ thể những chủ thể để làm rõ có phải nộp thuế hay không?

Trường hợp chủ cây lan đấy là cá nhân kinh doanh thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Trường hợp người bán là người nông dân, giò lan đáp ứng đủ điều kiện là sản phẩm nông nghiệp không qua sơ chế, chế biến thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Còn trường hợp nữa, nếu xác định đó là tài sản, người bán tài sản (ở đây không phải là bất động sản) thì không phải chịu thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác.

Một trường hợp khác nữa, nếu nhà vườn đăng ký kinh doanh, là doanh nghiệp thì đương nhiên phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.

Thanh Phương

Bạn đang đọc bài viết Tràn lan dịch vụ quảng bá, livestream khoe giao dịch tiền tỷ tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự