Doanh nghiệp trước sự thay đổi của công nghệ số

THANH TÙNG/CLVN 09:37 04/08/2020

Từ khi internet ra đời, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu như hiện nay, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đã có cơ hội

Lợi ích từ chuyển đổi số

Vài năm trở lại đây, chuyển đổi số là cụm từ được nhắc tới nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là sự tích hợp các CÔNG NGHỆ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC... đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh…

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.

Theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường thì 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Cần loại bỏ tư duy "ngại thay đổi"

Mặc dù chuyển đổi số mang lại cơ hội kinh doanh trên bình diện toàn cầu, tuy nhiên theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường toàn cầu, khách hàng toàn cầu cũng là thách thức với cả các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Ông Lộc ví von: “Các gia đình ở Việt Nam có thể mua táo trên cành ở một nhà vườn phương Tây và ngược lại các gia đình ở phương Tây thậm chí có thể đặt hàng mua hoa tươi trong vườn hoa của hộ kinh doanh nhỏ ở thành phố Đà Lạt”.

Sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng đặt hàng người sản xuất dẫn dắt nền sản xuất theo phương thức C2B chứ không chỉ là B2C, người tiêu dùng chọn mua sản phẩm được tiếp thị bởi nhà sản xuất sẽ trở thành xu thế toàn cầu.

Trong nền thương mại mới như vậy, không chỉ có việc người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ cho mình mà còn có thể tương tác với người sản xuất, biến thị trường toàn cầu thời hiện đại trở về gần với “cái chất” nguyên thủy của “chợ quê”- không chỉ là nơi mua bán hàng hoá mà còn là một không gian giao tiếp xã hội giữa con người với con người.

May đo sẽ thay thế cho may sẵn, độc bản, sự khác biệt và tinh tế sẽ lên ngôi. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ sẽ song hành và trong tương lai sẽ thay thế dần cho doanh nghiệp lớn sản xuất hàng loạt trên thị trường thế giới.

Hơn nữa, "những tháng ngày Covid" cũng cho thấy không gian trực tuyến quan trọng đến dường nào đối với tất cả chúng ta. Làm việc trực tuyến, học trực tuyến, họp trực tuyến, mua hàng trực tuyến và cả yêu… trực tuyến.

Là vấn đề công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu là quyết tâm chính trị, vào thể chế quốc gia. Muốn thực hiện thương mại điện tử, muốn chuyển đổi số thì trách nhiệm của Chính phủ là phải tạo ra hệ thống thể chế hiện đại với các quy định phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Tư duy “ngại thay đổi” chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp. Ở thời điểm này mà vẫn còn không ít doanh nghiệp rất thờ ơ với kỹ thuật số và coi chuyển đổi số chỉ là phương tiện để show diễn hay là chi phí phải gánh chịu chứ không phải khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức. Đổi mới tổ chức trên nền tảng văn hóa sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số.

Nhiều doanh nghiệp đã thành lập văn phòng chuyển đổi số, đặt ngang hàng với phòng kế hoạch kinh doanh hay tổ chức - tài chính và chỉ định giám đốc kỹ thuật số như một nhân sự chủ chốt “cánh tay phải” của Ban lãnh đạo - một nhân vật có tầm ảnh hướng tới định hướng và định hình của doanh nghiệp trong tương lai.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp trước sự thay đổi của công nghệ số tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự