Trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động, ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động đầu tư trong nước. Đáng chú ý, những thay đổi chính sách thuế quan vào tháng 4 khiến VN-Index từng giảm sâu, chạm mức 1.073 điểm.
Tuy nhiên, từ giữa quý II, thị trường đã phục hồi tích cực. Đến cuối tháng 6, chỉ số VN-Index đạt 1.376,07 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 4/2022, tương ứng mức tăng 8,6% so với đầu năm. Nhà đầu tư trong nước đã chủ động điều chỉnh danh mục, kiểm soát rủi ro và thích ứng với biến động vĩ mô.
Dữ liệu từ Fmarket cho thấy hiệu quả hoạt động của các quỹ mở trong nửa đầu năm 2025 có sự phân hóa rõ rệt. Một số quỹ từng có hiệu suất nổi bật trong năm 2024 đã chững lại do tỷ trọng lớn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và công nghệ – hai ngành đã tăng trưởng mạnh trước đó.
Ngược lại, các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như VIC, VHM, VRE – dù không chiếm tỷ trọng cao trong danh mục – lại có đóng góp tích cực, hỗ trợ diễn biến thị trường chung.
Đáng chú ý, các quỹ áp dụng chiến lược phân bổ linh hoạt đạt hiệu quả vượt trội. Quỹ DCDS của Dragon Capital đạt mức sinh lời gần 30% chỉ trong chưa đầy 3 tháng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025:
-
MBCapital Value: tăng 10,9%
-
MBCapital Growth: tăng 9,7%
-
BVFED (Bảo Việt Fund): tăng 8,47%
-
DCDS (Dragon Capital): tăng 8,12%
Trong nửa đầu năm 2025, nhóm quỹ trái phiếu tiếp tục ghi nhận hiệu suất ổn định. Các quỹ như VNDBF, VINACAPITAL-VFF, BVBF và DCBF đều đạt lợi nhuận 12 tháng trên 6,4%. Đáng chú ý, LHBF – quỹ trái phiếu linh hoạt có kết hợp đầu tư cổ phiếu – đạt hiệu suất 11,7%, vượt xa mặt bằng lãi suất tiết kiệm.
Nhóm quỹ cân bằng cũng duy trì hiệu quả tích cực nhờ phân bổ hợp lý giữa cổ phiếu và trái phiếu chất lượng. Trong đó, VINACAPITAL-VIBF đạt mức sinh lời 3,34% trong 6 tháng đầu năm.
Các quỹ trái phiếu thanh khoản (MMF) tiếp tục là lựa chọn của nhà đầu tư cá nhân với hiệu suất ổn định và khả năng rút vốn linh hoạt. Trên nền tảng Fmarket, các quỹ MMF có hiệu suất nổi bật như:
-
MBAM: 3,22%
-
ABBF: 3%
-
DCIP: 2,67%
-
SSIBF: 2,59%
-
VNDBF: 2,58%
Triển vọng nửa cuối năm 2025 được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ linh hoạt, triển vọng nâng hạng thị trường và chương trình cải cách “Đổi Mới 2.0”, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt.
Về dài hạn, dữ liệu chu kỳ 5 năm cho thấy nhiều quỹ mở có mức tăng trưởng vượt trội so với VN-Index (bình quân 10,8%/năm), gồm:
-
VINACAPITAL-VESAF: 22,9%/năm
-
SSI-SCA: 19,9%/năm
-
DCDS: 19,2%/năm
-
VINACAPITAL-VEOF: 19%/năm
-
VCBF-BCF: 17,8%/năm
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hướng đến phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, các sản phẩm quỹ mở được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đầu tư dài hạn của cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.