Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Doanh nghiệp tư nhân vào “cuộc chơi lớn”

NHVN 09:14 13/07/2025

Với tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ là hạ tầng quốc gia, mà còn mở ra cơ hội hiếm có cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

he-thong-duong-sat-viet-nam - Sao chép

Thời cơ mới cho ngành đường sắt Việt Nam. Ảnh: VNR. ( Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết )

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 67 tỷ USD, đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ khối doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Đây được xem là cơ hội chiến lược để ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam phát triển bài bản, bền vững và nội địa hóa dần các công đoạn sản xuất.

Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề xuất thành lập Tổ hợp công nghiệp đường sắt, đặt mục tiêu đến năm 2035 làm chủ công nghệ lắp ráp tàu điện nhiều toa (EMU) và nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 20%, tiến tới 80% vào giai đoạn 2040 – 2050.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp tư nhân như VinSpeed, Thaco, Hòa Phát cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư, sản xuất các thiết bị quan trọng như đoàn tàu, ray thép… Họ xem đây là “cơ hội nghìn năm có một” để khẳng định vai trò, năng lực và bản lĩnh công nghệ Việt.

Quốc hội và Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khi bổ sung các hình thức đầu tư mới như PPP và đầu tư kinh doanh trong Luật Đường sắt sửa đổi. Điều này cho phép doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng và khai thác, không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thi công và quản lý.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được đánh giá là công trình thế kỷ, kết nối hai cực phát triển là Hà Nội và TP.HCM, đi qua hành lang kinh tế chiếm hơn 50% GDP cả nước. Dự án hứa hẹn tái cấu trúc không gian đô thị, giảm áp lực hạ tầng và mở ra cơ hội lớn cho ngành logistics, du lịch và dịch vụ.

Dù chủ đầu tư chưa được xác định, sự chủ động của doanh nghiệp tư nhân cho thấy tinh thần sẵn sàng gánh vác những công trình tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, theo cộng đồng doanh nghiệp, để hiện thực hóa mong muốn này, họ rất cần có cơ chế tiếp cận tín dụng, ưu đãi vốn và hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy khẳng định dự án mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh. Chính phủ yêu cầu hoàn thành các thủ tục giải phóng mặt bằng và tổ chức lễ khởi công vào tháng 12/2026. Một số hạng mục như nhà ga, khu tái định cư sẽ được khởi động từ tháng 8/2025.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào dự án này sẽ tạo ra bước ngoặt về cách tiếp cận đầu tư hạ tầng, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy sự trưởng thành của các ngành cơ khí, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong tương lai.

Link gốc : https://daidoanket.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-tin-hieu-mung-tu-doanh-nghiep-tu-nhan-10310186.html

Bạn đang đọc bài viết Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Doanh nghiệp tư nhân vào “cuộc chơi lớn” tại chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư - Đấu thầu