Trốn thuế, chuyển giá vì sao ngày càng tinh vi, phức tạp hơn?

TÀI CHÍNH DN 08:34 24/08/2020

Theo Cục Thuế Hà Nội, kết quả rà soát trên địa bàn TP Hà Nội hàng năm có trên 1.200 DN có giao dịch liên kết đã kê khai.

Truy thu hàng nghìn tỷ đồng

Mới đây, Kiểm toán nhà nước có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Bộ Công an điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu trốn 79,2 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của ông Nguyễn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế thu nhập DN (TNDN) hơn 337,6 tỷ đồng và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội nhận định, hiện nay các DN có phát sinh giao dịch liên kết (GDLK), các DN FDI tại Việt Nam có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua việc chi trả lãi vay; hoặc lãi suất cho công ty có quan hệ liên kết vay không theo giá thị trường như chi trả các chi phí dịch vụ cho công ty mẹ ở nước ngoài... với mục tiêu giảm tối đa số thuế TNDN phát sinh nộp tại Việt Nam (Chuyển giá).

"Cùng với sự phát triển lớn mạnh không ngừng của các tập đoàn đa quốc gia, các hành vi chuyển giá, trốn thuế ngày càng tinh vi, phức tạp". ông Mai Sơn khẳng định.

Trong đó, Hà Nội và TP HCM là những nơi tập trung nhiều DN có GDLK vì vậy tình trạng chuyển giá, trốn thuế xảy ra số lượng lớn hơn.

Theo Cục Thuế Hà Nội, kết quả rà soát trên địa bàn TP Hà Nội hàng năm có trên 1.200 DN có giao dịch liên kết đã kê khai.

Cục Thuế Hà Nội đã triển khai thanh tra tại 254 DN DN có GDLK. Tổng số xử lý qua thanh tra 3.277 tỷ (bình quân 12,9 tỷ/DN), trong đó, số tiền thuế truy thu, phạt là 641 tỷ, giảm lỗ 2.639 tỷ. Phát hiện và xử lý 96 DN có giao dịch liên kết do vi phạm các quy định về giá thị trường theo quy định tại Thông tư 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính và Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ, tổng số xử lý về giá 4.249 tỷ, cụ thể: điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.672 tỷ, giảm lỗ 2.252 tỷ; truy thu thuế TNDN và phạt 325 tỷ.

Theo Cục Thuế TP HCM, giai đoạn 2016 – 2020 đã thanh tra, kiểm tra 91.727 DN, số truy thu và phạt được 21.828 tỷ đồng giảm lỗ 68.180 tỷ đồng, giảm khấu trừ 2.509 tỷ đồng, số thu bình quân trên 1 hồ sơ thanh tra là 1,32 tỷ đồng, số thu bình quân trên 1 hồ sơ kiểm tra là 169 triệu đồng.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, 8 tháng vừa qua cơ quan này đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với DN có GDLK, đã hoàn thành thanh tra, kiểm tra đối với 104 DN, qua đó đã truy thu, truy hoàn và phạt hơn 269 tỷ đồng.

Ngoài việc truy thu, truy hoàn và phạt 269 tỷ đồng đối với 104 DN có hoạt động GDLK, cơ quan thuế cũng xác định lại doanh thu, làm giảm lỗ hơn 1.785 tỷ đồng; giảm khấu trừ 1 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.373 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với GDLK đã truy thu hơn 148 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 1.688 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 1.489 tỷ đồng.

Rà soát DN có rủi ro cao về thuế

Mặc dù cơ quan chức năng đã thực hiện thanh, kiểm tra xử lý đối với các hành vi chuyển giá, trốn thuế tuy nhiên tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn thừa nhận, việc thanh tra chuyển nhượng giá còn gặp nhiều khó khăn như nhiều DN có GDLK thực hiện kê khai chưa đúng quy định. Không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ thông tin về các bên có quan hệ liên kết.

Bên cạnh đó, việc nhận diện các DN có quan hệ liên kết có dấu hiệu vi phạm giá thị trường, xác định các DN thuộc các trường hợp có quan hệ liên kết thực sự gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do việc thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế chủ yếu dựa vào thông tin trên hồ sơ khai thuế nhưng thông tin đó hiện nay trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế là rất hạn chế dẫn đến việc lựa chọn và xác định các DN có dấu hiệu rủi ro để lập kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng là khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, ông Mai Sơn đề xuất xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích, đánh giá rủi ro, lựa chọn DN thanh tra giá chuyển nhượng để áp dụng chung thống nhất trên toàn quốc.

Tiêu chí rủi ro cần tập trung vào dấu hiệu thuộc vùng trũng về thuế: DN có miễn giảm thuế và có lãi cao hơn bình quân ngành; DN lỗ lớn liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh; DN có lãi thấp hơn bình quân ngành; DN có giao dịch liên kết với công ty mẹ nơi có thuế suất thuế TNDN thấp; DN có phát sinh giao dịch về chi phí dịch vụ với bên liên kết nhưng không đáp ứng điều kiện được trừ khi tính thuế; DN phát sinh mua tài sản cố định với giá trị lớn bất thường từ bên liên kết...

Liên quan đến chuyển giá, trốn thuế, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thu ngân sách.

Tổng Cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố dựa trên kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với việc áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin và bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, rà soát các DN có rủi ro cao về thuế, tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro, ngành nghề kinh doanh mới, các DN có giao dịch liên kết, DN kinh doanh lỗ nhiều năm liên tục có dấu hiệu chuyển giá, các hồ sơ hoàn thuế lớn để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng: cơ quan Công an, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và các cơ quan ban ngành khác triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế; đẩy mạnh công tác trao đổi nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra; tích cực đôn đốc các DN thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ....

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế; nâng cao năng lực công chức, sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Cục Thuế Hà Nội thống kê các vi phạm chuyển giá như DN vi phạm giá chuyển nhượng không chứng minh được các căn cứ xác định giá chuyển nhượng phù hợp với quy định của pháp luật. DN có dấu hiệu vi phạm về giá chuyển nhượng thực hiện đồng thời các giao dịch với bên liên kết và bên không liên kết với mức giá khác nhau. Không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ Phụ lục về giao dịch với các bên có quan hệ liên kết khi quyết toán thuế TNDN. Sử dụng dữ liệu so sánh trên Báo cáo giá thị trường không phù hợp, không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Không điều chỉnh dữ liệu kê khai liên quan đến nghĩa vụ thuế theo dữ liệu trên Báo cáo giá thị trường của chính bản thân DN.

Bạn đang đọc bài viết Trốn thuế, chuyển giá vì sao ngày càng tinh vi, phức tạp hơn? tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự