Giới chuyên gia nhận định, hiện nay, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam có thể gây thêm khó khăn cho cộng đồng DN cũng như ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, phát triển của nền kinh tế. Song có thể không nghiêm trọng như giai đoạn dịch bùng phát trong những tháng đầu năm.
Lý giải về nhận định trên, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Trước hết, việc đại dịch Covid-19 xuất hiện sau Tết Nguyên đán đã đặt ra những vấn đề, thách thức mới, khiến cả nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp bị động. Tuy nhiên, trải qua giai đoạn đối phó với dịch bệnh vừa qua, cả các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp đã phần nào đúc rút được kinh nghiệm, cũng như có khả năng thích ứng nhanh nhạy hơn. Đây là tiền đề quan trọng để nhận định nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục ứng phó hiệu quả liền mạch trong điều kiện dịch bệnh đang quay trở lại và hệ lụy, tổn thất kinh tế sẽ không quá lớn.
Tiếp theo, thị trường và các nhà đầu tư nhìn chung không quá hốt hoảng hay bất an, mà vẫn giữ được tâm thế tích cực như khi ứng phó với đợt dịch Covid-19 đầu tiên. Cần lưu ý, trong giai đoạn ứng phó với hệ lụy của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, chúng ta không có được yếu tố thuận lợi này, nên hệ lụy là không nhỏ.
Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân từ tháng 3 cho đến nay vẫn đang tiếp tục phát huy tác dụng, tác động trễ của các chính sách này sẽ là điểm tựa để cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực trụ vững và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay cả trong điều kiện có dịch bệnh. Đó là chưa kể những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, cũng như khẩn trương xây dựng các biện pháp hỗ trợ nhằm ứng phó với đợt dịch mới.
“Từ những góc nhìn trên, tôi cho rằng, bức tranh nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại vẫn đầy những “điểm sáng”, tín hiệu lạc quan, nhờ sự chủ động và kinh nghiệm mà chúng ta đã tích lũy được trong giai đoạn khó khăn vừa qua”, ông Dương nhận định.
Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3 - 4%, kiểm soát lạm phát dưới 4% như thống nhất tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì cần triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, cụ thể như sau:
Một là, xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là cần tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Đặc biệt, cần rà soát, nhanh chóng ban hành các thông tư quy định nhằm giảm thuế, phí và lệ phí như cách Bộ Tài chính đã nhanh chóng ban hành 17 thông tư điều chỉnh giảm 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí thời gian nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Hai là, tiếp tục kích cầu đầu tư của khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; Bởi hiện nền kinh tế của chúng ta đang dựa đáng kể vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, do vậy chịu nhiều tác động cả trực tiếp và gián tiếp từ Covid-19.
Ba là, đây là giai đoạn cần kích cầu nền kinh tế bằng bàn tay của Nhà nước bằng việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, xác định các giải pháp cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến kinh tế như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành…