EVFTA được đánh giá là ánh sáng ở cuối đường hầm đại dịch đối với các doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng. Ảnh: ST |
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Sự kiện mà Viện Friedrich Naumann Foudation for Freedom (FNF) Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức gần đây tại Mỹ Tho (Tiền Giang) có thể nói là rất thành công cả về nội dung và kỹ thuật. Nhiều lãnh đạo tỉnh, quan chức cấp cao và các nhà kinh tế đã tham dự chương trình. Hơn 200 người từ chính quyền, doanh nghiệp và phương tiện truyền thông đã theo dõi phần trình bày của các chuyên gia về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Khi câu hỏi trên được đưa ra, tôi nhận ra rằng, hơn bao giờ hết, cần phải thực hiện những bước đi từ cấp độ “vĩ mô đến vi mô”, bằng những cách tiếp cận thực tế, giúp thúc đẩy EVFTA tiến gần hơn đến doanh nhân tại Mỹ Tho cũng như những người làm kinh doanh trên toàn Việt Nam. Tôi muốn chia sẻ ý tưởng của mình về cách thức “đưa chiến mã ra phố”, khiến EVFTA trở thành một câu chuyện thành công.
Năm nay, khi Chính phủ Việt Nam phê chuẩn EVFTA, Covid-19 xuất hiện như một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Đại dịch và các biện pháp chống dịch trên toàn thế giới đã tạo ra một cuộc khủng hoảng thực sự, không chỉ được so sánh với khủng hoảng tài chính năm 2008, mà phải tương đương cuộc đại suy thoái kinh tế của 90 năm trước. Cuộc khủng hoảng do Covid-19 đã giáng một cú chí mạng vào nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, tác động tích cực của EVFTA đối với Việt Nam còn rõ ràng hơn trước thời điểm khủng hoảng.
Những cơ hội từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này (cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư - EVIPA) đã rõ ràng, chính xác và được bàn đến rất nhiều. Đó là những ưu đãi song phương như mang tới nhiều cơ hội thương mại tốt, nhiều nguồn đầu tư và lợi thế hơn từ việc đa dạng hóa đối tác thương mại, tiêu chuẩn được nâng cao để đảm bảo vận hành trơn tru trong nền công nghiệp 4.0 và số hóa.
Tuy nhiên, EVFTA sẽ không thể tạo ra những thay đổi đáng kể, nếu thiếu vắng những kế hoạch hành động. Bên cạnh việc chỉ ra những lợi ích tốt đẹp của EVFTA, rất cần đưa lời nói thành hành động. Nếu không có những kế hoạch thực hiện phối hợp, hiệp định thương mại tự do vốn rất tuyệt vời và hiện đại này sẽ không thể mang lại kết quả.
Chắc chắn, tôi không phải là người duy nhất có quan điểm trên. Tôi đã có một cuộc thảo luận sôi nổi với Luật sư người Đức Oliver Massmann của Duane Morris. Tôi cũng trao đổi về vấn đề này với các chuyên gia kinh tế tại Việt Nam từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Ba Lan, Đức và nhiều đại diện khác. Tất cả đều đồng tình rằng, EVFTA là ánh sáng ở cuối đường hầm đại dịch, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là ngay thời điểm hiện tại, khi thỏa thuận đã được phê chuẩn.
Những bước đi quan trọng
Theo quan điểm của tôi, kế hoạch thực hiện nên bao gồm 3 giai đoạn:
Đầu tiên, cần tiếp tục thực hiện các chiến dịch truyền thông, như những chiến dịch đang Bộ Ngoại giao, EuroCham và báo chí Việt Nam thực hiện. Các hội thảo và hội nghị diễn ra trong bối cảnh này sẽ giúp tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của EVFTA về mặt chính trị, hành chính và kinh doanh.
Tuy nhiên, việc quảng bá tại các nước EU cần năng động hơn cách làm trước đây. Bên cạnh những nỗ lực của các phòng thương mại và hiệp hội doanh nghiệp tại châu Âu, các đại sứ quán Việt Nam cũng nên tham gia một cách tích cực hơn. Xin lấy ví dụ điển hình từ Ban Đầu tư tại châu Âu của Thái Lan hoặc Tổ chức Bàn tròn Kinh doanh Đức - Malaysia tại Đức đã có những hoạt động rất đáng ghi nhận.
Tiếp đến, các sự kiện trong ngành và đặc biệt là các sự kiện liên quan đến kinh doanh theo khu vực nên được diễn ra tại Việt Nam. Trong mọi trường hợp, EuroCham, các phòng tổ chức thương mại và kinh doanh với châu Âu của các quốc gia, các bộ phận kinh tế của đại sứ quán nên được tham gia với tư cách đại diện của các nước châu Âu.
Các hoạt động này nên chia thành ngành nghề đặc thù, bởi nhu cầu của các công ty trong ngành da giày sẽ khác với mong đợi của các công ty thương mại. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc đến đặc điểm theo các vùng địa lý khác nhau khi tổ chức các sự kiện này, vì cộng đồng doanh nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có quan tâm khác với các doanh nghiệp phía Bắc, hay ở miền Trung.
Các sự kiện với những thông tin đa chiều cũng nên được xuất hiện tại châu Âu nhiều hơn trước, như sự kiện diễn ra vài ngày trước tại Berlin (Đức) do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Liên bang Đức và Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tổ chức.
Tuy nhiên, vẫn còn một điểm cốt yếu mà tôi tin rằng đã bị bỏ qua tới tận bây giờ, đó là việc tạo ra các ví dụ thực tế về hợp tác thành công giữa các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam. Nếu “những ngọn hải đăng” soi sáng này tồn tại từ trước, thì câu hỏi của vị doanh nhân tôi nhắc tới ban đầu có lẽ đã được giải đáp.
Sau đó, cần tích cực dùng truyền thông để quảng bá, tạo động lực để những hoạt động trên được mở rộng và phát triển hơn nữa. Nhưng làm thế nào để thực hiện điều này? Trước hết, chúng ta cần xác định các công ty phù hợp để tham gia với sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Lý tưởng nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì các công ty lớn cần ít hỗ trợ vi mô hơn và không thể được sử dụng làm ví dụ cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, sẽ hợp lý hơn nếu doanh nghiệp này đến từ Hà Nội hoặc TP.HCM để các đối tác EU có thể hỗ trợ dễ dàng hơn sau này. Muốn những nguồn trợ giúp này có giá trị và hợp lý hơn, chỉ nên có 3-6 công ty đại diện nhận được sự giúp đỡ từ Bộ Ngoại giao và VCCI. Bản thân các công ty này cũng cần là những doanh nghiệp mong muốn, nhưng chưa có hợp tác nào với EU và việc kinh doanh đang tốt, minh bạch.
Sự hợp tác chặt chẽ
Với sự giúp đỡ của các đối tác hợp tác Việt Nam và châu Âu như EuroCham, VCCI, các đại sứ quán…, các doanh nghiệp sau đó cần được đào tạo và chuẩn bị xoay quanh các chủ đề: các quy định của EVFTA dành riêng cho công ty, quản trị đa văn hóa, cơ hội kết nối mạng lưới Việt Nam và EU, được giới thiệu với những đơn vị có vai trò (như EuroCham), tiếp cận với cơ sở dữ liệu bao gồm các đối tác tiềm năng (như Bavaria International), các mô hình hiệu quả, chuẩn bị tài liệu giới thiệu doanh nghiệp, bài thuyết trình, hướng dẫn theo từng cá nhân và kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Song song với việc đó, các công ty đối tác tiềm năng ở EU sẽ được tìm kiếm cụ thể thông qua các phòng thương mại châu Âu, tổ chức nhà nước và tiếp cận để hợp tác giữa các doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng chính là thành lập thành công 2 hoặc 3 mô hình hợp tác EU - Việt Nam cỡ vừa, sau đó sẽ được phổ biến rộng rãi để trở thành những “ngọn hải đăng”, những ví dụ thực tế tiêu biểu. Trong một thập kỷ trước, Công ty xúc xích Đức - Việt là một ví dụ cho mô hình thành công, là một đại diện khuyến khích các công ty khác làm theo.
Viện FNF Việt Nam bước đầu đã thảo luận với các bên liên quan ở Việt Nam và EU để thực hiện chiến lược 3 giai đoạn trên. Giai đoạn đầu nên được diễn ra vào mùa hè này để đạt được kết quả rõ ràng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Giữ vai trò Chủ tịch của ASEAN, Việt Nam đã nêu gương bằng cách quản lý Covid-19 rất thành công. Bây giờ là thời khắc rất quan trọng để thiết lập quá trình phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế sau đại dịch. Bằng việc triển khai EVFTA mạnh mẽ và thành công, Việt Nam cũng có thể làm đại diện cho thương mại tự do để các nước thành viên ASEAN khác làm theo. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời kỳ nổi lên chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu. EVFTA thậm chí có thể là mô hình cho một thỏa thuận tương tự giữa EU và ASEAN, nhưng tất cả sẽ chỉ xảy ra khi chúng ta hành động ngay bây giờ.
Đào tạo toàn diện về các lĩnh vực cụ thể, các sự kiện hợp tác hai bên và đặc biệt quan trọng, việc tạo ra những câu chuyện nổi bật về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU sẽ biến EVFTA thành một câu chuyện thành công. Nếu thực hiện theo cách này, Việt Nam sẽ không có trở ngại nào trong việc tự tin tái định vị thành công, để lại một dấu ấn đáng chú ý trong năm nay, từ việc đối phó với đại dịch Covid-19, mang cương vị Chủ tịch ASEAN và bắt đầu EVFTA.
Theo Báo đầu tư