Trong những năm qua, nhờ áp dụng Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712) vào quá trình sản xuất, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã cải tiến được chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nhất là năng suất lao động được cải thiện đáng kể. Số liệu thống kê chỉ ra, sau 10 năm thực hiện Chương trình 712, đến nay đã có khoảng 15.000 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng các mô hình mới để cải tiến năng suất, chất lượng. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận và áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9000, ISO 14000) và hệ thống các công cụ cải tiến cơ bản (như 5S, Lean hoặc Six Sigma…).
Doanh nghiệp “sống khỏe” nhờ áp dụng công cụ cải tiến chất lượng
Là 1 doanh nghiệp điển hình của tỉnh Hưng Yên áp dụng công cụ cải tiến 5S, ông Nguyễn Mạnh Đức - Giám đốc điều hành sản xuất Công ty CP nhựa Thái Bình Dương chia sẻ: Khi mới thành lập, doanh nghiệp chỉ có một số lượng ít các công nhân, việc giám sát quy trình sản xuất được sát sao, thường xuyên. Tuy nhiên, đến khi số lượng nhân công ngày càng nhiều hơn, chúng tôi thấy cần thiết phải có một hệ thống nào đó để giữ ổn định chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, để các công nhân viên trong công ty cùng thực hiện. Đó chính là lý do chúng tôi chọn áp dụng các hệ thống, công cụ cải tiến như ISO 9001, mô hình 5S.
“Khi mới tiếp cận với phương pháp 5S thông qua BÁO chí, truyền thông, chúng tôi cũng mới chỉ nghĩ đơn giản về phương pháp này là cách để giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nhà xưởng giống như việc làm bình thường hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi có sự hỗ trợ tư vấn của chuyên gia, sự giúp đỡ chia sẻ nhiệt tình từ phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và CN), chúng tôi đã nhận thức sâu sắc hơn về việc áp dụng 5S một cách bài bản, hệ thống, triển khai cho tất cả các anh em trong công ty cùng thực hiện.
Từ chỗ nhà xưởng, nơi sản xuất còn chưa được gọn gàng, đẹp mắt thì đến nay, việc sắp xếp các khu làm việc đã được sạch, đẹp hơn. Khách hàng của chúng tôi lên thăm nhà máy cũng đánh giá cao doanh nghiệp chúng tôi dù non trẻ nhưng rất chuyên nghiệp”, ông Mạnh Đức nói.
Hay ông Trịnh Ngọc Thảo – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác Smart Việt Nam chia sẻ: Ban đầu công ty tôi chỉ thuần túy về thương mại về các sản phẩm cơ khí. Sau đó đến năm 2016, chúng tôi bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên ở Bắc Ninh. Ban đầu làm, chúng tôi chỉ nghĩ là làm thôi và nghĩ là mình làm được.
Khi bắt đầu làm, chúng tôi mới thấy phát sinh rất nhiều vấn đề. Lúc đó, xác định đầu tiên là hướng tới đối tượng khách hàng là nước ngoài: khách hàng Nhật, khách hàng Châu Âu và khách hàng Mỹ. Sau đó, khi xây dựng nhà máy, nhà xưởng, anh em cũng có đi tham khảo nhiều nhà máy của Nhật, của Châu Âu. Nhưng bê nguyên một cách tương đối, kiểu như copy về, thấy người ta layout thì mình cũng layout, mình cũng sắp xếp máy kiểu kiểu như thế. Sau cuối cùng trong hình thức tuyển chọn con người cũng rất đầu tư, chúng tôi xác định rõ vấn đề con người là vấn đề chủ chốt khi lựa chọn tuyển dụng nhân sự và đi chọn và tuyển những bạn đã có kinh nghiệm làm cho các doanh nghiệp Nhật Bản với thời gian 5 năm, 7 năm… cũng có mời các bạn ấy về, đồng thời cũng có những chính sách kéo các bạn từ doanh nghiệp Nhật ra.
Nhìn chung công ty có một khởi đầu khá thuận lợi, tương đối bài bản từ nhà xưởng cho đến con người. Tuy nhiên, khi mới vận hành, nó giống như một đội bóng, rất đa phong cách, mỗi cầu thủ mỗi quốc tịch, ở mỗi nơi về. Có thể cùng một vấn đề thôi nhưng người này ở công ty này giải quyết thế này, người kia lại giải quyết thế khác… Qua đó mới thấy rằng, vấn đề ở chỗ hệ thống. Giải quyết nó phải có một tiếng nói chung, phải có phương pháp để thống nhất các vấn đề lại, rồi với đó là vấn đề của khách hàng là gì, có câu trả lời để cùng nhau định hướng. Chính vì thế, công ty đồng thời triển khai cả 5S, cả ISO 9000 và ISO 14000...
Sau 6 tháng, những biện pháp mới áp dụng bắt đầu chứng minh hiệu quả, khách hàng bắt đầu đến… Hết năm 2016, doanh số bằng 0. Sang đến năm 2017 nhà máy đã có thể tự nuôi được và có một số khách hàng nước ngoài đã tin tưởng. Đấy cũng là thành tích đáng kể của một doanh nghiệp sản xuất, một doanh nghiệp cơ khí cỡ nhỏ…
Đến nay, theo báo cáo kết quả hoạt động, ngoài việc tự nuôi được, công ty tôi cũng đã có lãi, và cũng có vị thế nhất định với một số đối tượng khách hàng mà mình đã lựa chọn. Trong số các khách hàng lớn phải kể tới như Canon, Honđa và gần đây nữa, chúng tôi đang tiếp cận với Vinfast - doanh nghiệp đang phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam.
“Tôi nghĩ, đấy là thành quả lớn nhất mà mình có thể nhìn thấy được từ việc áp dụng hệ thống, công cụ quản lý. Nghĩa là ISO là cái vé đầu tiên mình có thể mở cho các chuỗi tiếp theo. Nó đã cho mình một cái doanh số hiệu quả phải nói đạt yêu cầu, nó mang lại niềm tin cho khách hàng và tạo dựng cho mình uy tín, tiếng nói”, ông Ngọc Thảo nhận định.
Năng suất và chất lượng sản phẩm là “cốt lõi” của doanh nghiệp
Trao đổi riêng với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online về tác động của Chương trình 712 đối với doanh nghiệp, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước hết phải khẳng định năng suất và chất lượng sản phẩm là “cốt lõi” của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển, là cái “gốc” của giá trị mang lại cho doanh nghiệp và quốc gia. Năng suất là biểu hiện tập trung của năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Lê-Nin đã nói một ý rất hay rằng: Suy cho cùng, chế độ này có chiến thắng chế độ khác hay không là do có năng suất lao động cao hơn hay không.
Do vậy, Chương trình 712 đã đáp ứng “đúng” và “trúng” yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là giai đoạn 10 năm vừa qua chứng kiến bước chuyển mạnh mẽ cả về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của khu vực doanh nghiệp và tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta.
Đặt trong bối cảnh năng suất lao động bình quân của chúng ta còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành một chương trình riêng biệt với tầm nhìn 10 năm như vừa qua là nước đi đúng đắn trong quá trình kết hợp các yếu tố vừa có tính định hướng vừa hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp duy trì, nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đánh giá về nscl của sản phẩm hàng hóa trên thực tiễn chắc chắn sẽ dựa trên nhiều yếu tố nhưng với Chương trình 712 này, các nhiệm vụ và hoạt động trọng tâm dựa trên việc áo dụng các quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn, mô hình quản lý… và được chia theo từng lĩnh vực theo quản lý chuyên ngành cũng là hướng đi quan trọng giúp doanh nghiệp chinh phục khách hàng trong nước và quốc tế.
Chúng ta khó có thể khẳng định hàng hóa của Việt Nam phù hợp với thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… khi các hệ TC cần đạt được thiếu rõ ràng. Chuyên gia của Tổ chức Năng suất Châu Á – Thái Bình Dương cũng đã chỉ ra hiệu quả nhanh chóng và trực tiếp của áp dụng các công cụ cải tiến năng suất với doanh nghiệp từ 10 - 30%, năng suất lao động tăng 70% và thu nhập người lao động tăng 10 - 15%.
“Với ý nghĩa và tác động tích cực của chương trình mang lại cho doanh nghiệp, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của hội nhập và cuộc cách mạng khoa học công nghệ, chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục cho triển khai Chương trình này trong giai đoạn tiếp theo và đề nghị cần có sự tham gia tích cực của cơ quan đại diện doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình”, ông Lộc nêu quan điểm.
Thanh Tùng