Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển trong 5 năm đối với 4 tỉnh, thành

NHVN 17:02 27/10/2021

Nếu được Quốc hội thông qua, một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 trong vòng 5 năm.

Sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế.

Theo đó, nguyên tắc quan trọng là các cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.

Ngoài ra, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương...

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang).


Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế chính sách.

Cụ thể, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với các tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh Nghệ An, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Còn với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định một số cơ chế đặc thù về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất... Hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) băn khoăn trong 4 tỉnh dự kiến thực hiện có 3 tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, trong khi hầu hết các tỉnh còn lại như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đều khó khăn do lịch sử để lại như chiến tranh và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai bão, lũ và cũng có điều kiện và các nét đặc thù như Nghệ An, Thanh Hóa. Vậy nếu áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Bắc Trung bộ thì sẽ tạo động lực cho cả vùng phát triển, theo kịp các vùng và khu vực khác trong cả nước.

“Riêng đối với Quảng Bình và Quảng Trị, thu ngân sách hàng năm còn thấp, chưa đến ½ tổng số chi nên việc phát triển kinh tế - xã hội vùng cũng là yếu tố hết sức cần thiết để các tỉnh còn khó khăn có cơ hội vươn lên theo kịp các tỉnh khác trong khu vực và cả nước”, đại biểu Trần Quang Minh nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cho rằng, đối với việc thành lập khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng, đây là mô hình mới, chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, có nhiều yếu tố phức tạp, không chỉ như góc độ kinh tế mà còn dưới góc độ quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội... Vì vậy, tôi đề nghị phải có sự nghiên cứu hết sức tổng thể về mô hình quản lý, cơ chế, chính sách đặc thù, áp dụng cho khu thương mại tự do không chỉ riêng cho TP. Hải Phòng mà còn có thể nghiên cứu áp dụng các địa phương khác...

Quốc hội thảo luận Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế.


Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, giữa các địa phương là điều kiện khác nhau, trình độ phát triển khác nhau và khả năng phát triển sẽ khác nhau. Do đó, để tạo nên một "cú huých" cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh thì phải có cơ chế, chính sách đặc thù. Chủ trương này vừa để bảo đảm sự phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, động lực, các "đầu tàu" để phát triển nhưng cũng quan tâm hài hòa với các địa phương khác.

Bộ trưởng nói, trên thực tế, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát triển hài hoà, kéo gần khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Với các vùng còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hiện có tới 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển đồng bào dân tộc miền núi đang được triển khai thực hiện.

Với các dự thảo Nghị quyết về có chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tính chất thực hiện thí điểm để kiểm nghiệm hiệu quả, để các địa phương này có điều kiện bứt phá lên, đồng thời hệ thống chính sách vẫn bảo đảm thống nhất, không có sự mất công bằng.

Theo Tài chính doanh nghiệp

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thi-diem-co-che-dac-thu-phat-trien-trong-5-nam-doi-voi-4-tinh-thanh-d25127.html

Bạn đang đọc bài viết Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển trong 5 năm đối với 4 tỉnh, thành tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự