Ngày 3/6, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 5 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 và các tháng cuối năm 2024.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị giao ban cơ quan BHXH Việt Nam tháng 6/2024. |
Tín hiệu tích cực trong phát triển đối tượng
Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 5/2024, các chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT, BHTN đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, toàn quốc có số người tham gia BHXH đạt 17,414 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,45 triệu người.
Số người tham gia BHTN đạt 14,253 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia BHYT đạt 90,614 triệu người, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong công tác thu các loại hình bảo hiểm cũng đạt kết quả khả quan. Theo đó, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt 195.495 tỷ đồng, tăng 16.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về kết quả trên, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý thu sổ - thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tháng 5 có xu hướng tăng tích cực với số gia tăng trên 90.000 người so với tháng trước. Đây là mức gia tăng cách biệt với tốc độ gia tăng của các tháng đầu năm (mức gia tăng dưới 60.000 người/tháng, thậm chí có tháng gia tăng rất thấp...).
Đặc biệt, một số địa phương có số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng lớn cũng là các địa phương có số lao động và doanh nghiệp lớn như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Thanh Hóa...
Làm rõ hơn về tỷ lệ bao phủ các loại hình bảo hiểm tăng, ông Dương Văn Hào phân tích, số người tham gia BHXH có sự tăng trưởng lớn so với tháng trước, đặc biệt là nhóm BHXH tự nguyện. Đây là tín hiệu tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH. Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp đang có khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để kiểm soát rủi ro trong công tác thu, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ Thẻ cho biết, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý dịch vụ thu, tra cứu trên hệ thống dữ liệu, rà soát danh sách của các BHXH địa phương...
Song song với khai thác dữ liệu mà Trung tâm công nghệ thông tin cung cấp và gửi danh sách đến các địa phương (về các trường hợp thẻ BHYT, sổ BHXH trùng...) định kỳ hằng tháng, BHXH các địa phương cần có "kho dữ liệu" của riêng mình, cụ thể đến từng đơn vị, doanh nghiệp có số lao động lớn trên địa bàn.
Bên cạnh kết quả tích cực trong phát triển đối tượng, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho các đối tượng thụ hưởng đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng theo quy định; qua đó góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn trước sự khó khăn chung của nền kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.
Kết quả, ngành BHXH Việt Nam ước giải quyết 30.194 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 126.462 người hưởng các chế độ BHXH một lần; giải quyết 543.4576 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Cả nước có 14.5182.343 người đi khám chữa bệnh BHYT.
Đồng bộ các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người dân
Đánh giá về kết quả giám định, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, hoạt động giao ban định kỳ về kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT được tổ chức hằng tuần trong tháng 5/2024 đã nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHXH của các địa phương.
Trong tháng qua, với số lượt khám chữa bệnh ổn định, chi phí bình quân cho mỗi lượt khám chữa bệnh đã giảm 8% so với tháng 4/2024 và giảm 5% so với tháng 3/2024. BHXH các địa phương cũng đã làm việc với các cơ sở khám chữa bệnh, thống nhất các chi phí không hợp lệ, không được thanh toán...
Tính đến thời điểm hết tháng 5/2024, số chi thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT là 52.819 tỷ đồng, tăng 6.182 (tăng 13,26%) với cùng kỳ năm 2023.
Ngành BHXH Việt Nam luôn đảm bảo kịp thời quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. |
Ông Lê Văn Phúc cho biết thêm, một số vấn đề đã được phát hiện trong hoạt động giám sát sử dụng chi phí khám chữa bệnh BHYT thời gian qua là tình trạng gia tăng chi phí và chỉ định dịch vụ; các phòng khám chỉ định nhiều xét nghiệm, cận lâm sàng có chi phí lớn nhưng kết luận không phù hợp, có những trường hợp bệnh nhân được ghi kèm tới hơn 40 - 50 chẩn đoán các bệnh trạng khác nhau... BHXH Việt Nam đã phản ánh và đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) xem xét các trường hợp này.
Chia sẻ thêm về hoạt động kiểm tra chi phí khám chữa bệnh BHYT, ông Bùi Quang Huy - Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, Thanh tra BHXH Việt Nam đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó thanh tra đột xuất trên 1.000 đơn vị trên cả nước.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT; hướng dẫn kiểm tra chuyên đề về giấy nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tại một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã được chọn lọc; thanh tra hồ sơ thủ tục giải quyết chế độ BHXH một lần, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc khác phát sinh trong thực tế.
Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, các đơn vị trong ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các luật liên quan đến nhiệm vụ của Ngành thời gian tới. Các BHXH các tỉnh, thành phố cần khẩn trương, tăng cường tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam cũng yêu cầu, các đơn vị cần tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHYT. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của các đơn vị, doanh nghiệp.
Cùng với đó, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý Quỹ BHXH, BHYT đảm bảo an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy mạnh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
“Các đơn vị thực hiện tốt nhất các chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động, trong đó đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT; Tham mưu tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Toàn quốc có số người tham gia BHXH đạt 17,414 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,45 triệu người. Số người tham gia BHTN đạt 14,253 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia BHYT đạt 90,614 triệu người, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Tạp chí Tài chính