Là điểm đầu của khu vực Bắc Trung Bộ, đồng thời hội tụ nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, Thanh Hóa được xem là nơi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xã hội. Những năm gần đây, Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khu công nghiệp hạ tầng để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư tại địa phương. Cùng chung với những đổi mới của Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung (Miền Trung Group) đã bứt phá, vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh.
Được thành lập năm 1994 với tiền thân là Công ty TNHH xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa, chuyên ngành chính là xây dựng giao thông thủy lợi vừa và nhỏ. Đến năm 2005, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa và 4 năm sau đổi tên thành Tập đoàn Xây dựng Miền Trung như hiện nay.
Miền Trung Group được biết đến là cơ nghiệp của nhà họ Mai, do ông Mai Xuân Thực sáng lập. Cập nhật tại tháng 1/2016, tập đoàn này có số vốn điều lệ 2.689 tỷ đồng, trong đó ông Thực sở hữu 39% còn bà Lê Thanh Hoa nắm 38%.
Cũng kể từ năm 2016, ông Thực đã từng bước thực hiện các hoạt động chuyển giao tập đoàn sang cho con trai là ông Mai Xuân Thông. Ông Thông, sinh năm 1979, hiện đang là phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh ủy viên Thanh Hóa khóa 19 (nhiệm kỳ 2020 – 2025). Đây cũng là nhiệm kỳ Tỉnh ủy viên Thanh Hóa thứ hai liên tiếp của ông. Cho đến thời điểm hiện tại, ông Mai Xuân Thông đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT tập đoàn này.
Là doanh nghiệp đặt đại bản doanh và có sức ảnh hưởng lớn tại Thanh Hóa, Miền Trung Group cũng nhanh chóng tích lũy cho mình nhiều dự án tầm cỡ tại địa phương, như dự án khu dân cư phía tây đường CSEDP (diện tích khoảng 18,8ha); dự án khu đô thị mới dọc đại lộ Nam sông Mã (quy mô 48ha); dự án khu dân cư phía tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng (diện tích quy hoạch khoảng 30ha) hay dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa với quỹ đất đối ứng lên đến gần 70ha…
Mới đây nhất, tập đoàn này đã phối hợp với Cường Thịnh Thi Group - doanh nghiệp tiềm lực hàng đầu Ninh Bình để triển khai thực hiện dự án khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng quy mô 121ha, có tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng cũng tại tỉnh Thanh Hóa.
Tương tự như đối tác thân quen - Cường Thịnh Thi, tên tuổi của Miền Trung Group bắt đầu được chú ý hơn khi tham gia đấu giá 3,64 triệu cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên do SCIC đem bán đấu giá vào năm 2015. Dù rằng cuộc chơi nghìn tỷ ở Khách sạn Kim Liên chỉ có một 'tay chơi' thắng cuộc, đó là Thaigroup của đại gia đồng hương Ninh Bình Nguyễn Đức Thụy (‘bầu’ Thụy), song tiềm lực của gia tộc họ Mai nhìn từ thương vụ đó, có thể hình dung là không hề nhỏ.
Thời điểm ấy, Miền Trung Group cho biết mục đích tham gia đấu giá là do công ty muốn mở rộng kinh doanh và nâng vị thế cạnh tranh trong lĩnh vực khách sạn, du lịch và dịch vụ ăn uống.
Lưu ý rằng, đây không phải mối quan tâm duy nhất của đế chế này, bởi bên cạnh bất động sản, Miền Trung Group còn tham gia vào mảng năng lượng tái tạo với CTCP Điện mặt trời Thành Vinh - doanh nghiệp dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Thuận Nam 12 với công suất lắp đặt 49,92 MWp được xây dựng tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Công ty này có vốn điều lệ 289 tỷ đồng, trong đó Miền Trung Group nắm giữ 30%, Cường Thịnh Thi đóng góp 40%, số còn lại thuộc về Công ty TNHH Cường Thịnh Thi Nam Việt.
Ngoài ra, hệ sinh thái của Miền Trung Group còn phủ sóng tới một loạt doanh nghiệp khác là CTCP BOT Đường Lào Cai-Sapa, CTCP Đầu tư BOT Lào Cai-Sapa, CTCP Đầu tư xây dựng bất động sản miền Trung, CTCP Đầu tư và kinh doanh Thành Vinh, CTCP Bất động sản Đại Lộc, CTCP Đầu tư và Xây dựng Trung Nam Phát, Công ty TNHH BT nam Thành phố, Công ty TNHH MTV HTKCN Số 3 Nghi Sơn...
Miền Trung Group làm ăn ra sao?
Theo BCTC riêng lẻ, doanh thu thuần của tập đoàn giai đoạn 2016 – 2019 luôn duy trì trên mức nghìn tỷ đồng, đạt đỉnh vào năm 2018 với 1.372 tỷ đồng. Tuy nhiên đến năm 2019, chỉ số này giảm hơn 300 tỷ đồng, về mức 1.025 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Thanh Hoá, song hiệu quả kinh doanh của công ty mẹ Miền Trung Group không thực sự khả quan, với lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2016-2019 chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng, trong đó năm 2019 là 690 triệu đồng.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Miền Trung Group (công ty mẹ) đạt 5.030 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 2.670 tỷ đồng.