Ngày 5/8/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố quyết định xử phạt 70 triệu đồng đối với CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định.
Theo đó, Hồng Hoàng đã công bố thông tin không đúng thời hạn đến Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với: Báo cáo tài chính năm 2020; Báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020.
Như đã đề cập, CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng ngày 29/10/2019 đã phát hành thành công gần 1.403 tỷ đồng trái phiếu cho một nhà đầu tư tổ chức.
Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 5 năm. Đáng chú ý, lãi suất phát hành thực tế là 20%/năm - mức cao bất thường so với mặt bằng chung từ 9,5-11,5% vào thời điểm đó.
Chỉ ít ngày sau thương vụ trái phiếu, Hồng Hoàng ngày 1/11/2019 đã thế chấp 60.771.055 cổ phiếu ACB tại Saigon Asia Credit Limited - một pháp nhân được thành lập ở Cayman Islands. Đồng thời, CTCP Đầu tư Thương mại Nghi Lan và bà Phạm Thị Khánh Hồng – các cổ đông sáng lập của Hồng Hoàng – đã thế chấp tổng cộng 99,99% vốn điều lệ của Hồng Hoàng tại Saigon Asia Credit Limited.
Số cổ phiếu này gần như chắc chắn có nguồn gốc từ đợt bán 32.200.608 cổ phiếu quỹ ngày 30/10/2019. Trong phiên hôm đó, có 4 giao dịch thoả thuận cổ phiếu ACB, đều ở mức giá 23.800 đồng/cổ phần, gồm 13.200.608 CP, 12.000.000 CP, 10.000.000 CP và 25.570.447 CP; tổng cộng tròn trịa 60.771.055 cổ phần mà Hồng Hoàng đang thế chấp tại Saigon Asia Credit Limited.
Lưu ý rằng đợt phát hành trái phiếu diễn ra ngày 29/10, tức là ngay trước khi ACB bán cổ phiếu quỹ. Khoản trái phiếu 1.400 tỷ thu về cũng là vừa đủ để Hồng Hoàng mua trọn gần 60,8 triệu cổ phần ACB.
Lô trái phiếu thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư, không chỉ do mức lãi suất "cắt cổ", mà còn bởi Hồng Hoàng hay Nghi Lan, như Nhadautu.vn đã đề cập, là các pháp nhân thuộc hệ sinh thái của gia đình ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Mức lãi suất lên đến 20%/ năm giúp Hồng Hoàng điều chuyển khoản lãi khổng lồ, lên tới 280 tỷ đồng mỗi năm cho trái chủ ở thiên đường thuế Cayman Islands - nơi không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi chi phí tài chính cũng sẽ giúp pháp nhân này giảm thiểu số thuế TNDN phải nộp trong nước.
Ở diễn biến đáng chú ý, Hồng Hoàng ngày 15/7/2022 đã mua lại trước hạn 318,6 tỷ đồng, kéo số dư gốc của lô trái phiếu về 1.083,7 tỷ đồng. Kể từ khi phát hành tới mua lại trước hạn một phần, doanh nghiệp của nhà chủ ACB có nghĩa vụ chi trả lãi cho trái chủ ở Cayman Islands tổng số tiền khoảng 760 tỷ đồng, bằng già nửa dư nợ gốc của lô trái phiếu.
Chưa thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin
Theo thông báo của UBCKNN, Hồng Hoàng bị xử phạt do công bố thông tin không đúng thời hạn đến HNX đối với Báo cáo tài chính năm 2020; Báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của Nhadautu.vn, hiện nay các báo cáo năm 2020 nêu trên của Hồng Hoàng vẫn không được công bố trên chuyên trang trái phiếu doanh nghiệp (https://cbonds.hnx.vn/) của HNX. Tương tự, báo cáo cho các năm 2019, 2021 cũng không được công bố. Điều này có dấu hiệu vi phạm quy định về nghĩa vụ công bố thông tin theo Nghị định 153/2018, Nghị định 81/2020 rồi Nghị định 153/2020 cùng các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trong đó, gần nhất, Thông tư 122/2020 của Bộ Tài chính quy định nhà phát hành cần công bố mục đích phát hành, lãi suất, cam kết về tài sản đảm bảo, danh sách, cơ cấu trái chủ. Cùng với đó, nhà phát hành phải định kỳ công bố báo cáo tài chính, tình hình thanh toán lãi gốc, và rất quan trọng, là báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.