Công ty CP Đầu tư Nam Long (Nam Long Group, HOSE: NLG) vừa phát hành thành công lô trái phiếu NLGH2229001.
Lô trái phiếu có trị giá 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 7 năm, đáo hạn vào năm 2029. Mục đích nhằm tăng vốn đầu tư cho Công ty con Công ty CP Nam Long VCD.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản, lãi suất cố định 9,35%/năm.
Tài sản đảm bảo là cổ phần tại Công ty con Công ty CP Nam Long VCD và Công ty liên doanh Công ty CP NNH Mizuki và tài sản ngân hàng của Nam Long Group (nếu có).
Tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, lưu ký, thanh toán là Công ty CP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC). Tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Thông tin về tổ chức nhận và định giá tài sản đảm bảo không được công bố.
Đồng thời theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I/2022, Nam Long Group đang có khoản nợ hơn 2.026 tỷ đồng trái phiếu. Như vậy, sau khi phát hành thành công lô trái phiếu nêu trên doanh nghiệp này nợ hơn 2.500 tỷ đồng trái phiếu.
Trong khi đó, Nam Long Group đang đối mặt với hàng loạt rủi ro tài chính như: lợi nhuận giảm mạnh, hàng tồn kho lớn và gánh nặng nợ vay.
Cụ thể, theo BCTC quý I/2022, Nam Long Group ghi nhận doanh thu đạt 587 tỷ đồng cao gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn lãi gộp 250 tỷ đồng – tăng mạnh so với con số 40 tỷ đồng của quý 1 năm ngoái.
Trong kỳ, Nam Long Group thu về 23,5 tỷ đồng doanh thu tài chính, cao gấp 3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên so với quý I/2021, chi phí tài chính tăng từ 21 tỷ đồng lên 38,7 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng cao gấp 6 lần từ hơn 10 tỷ đồng lên 59 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ở mức cao với 134,5 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận sau thuế (LNST) của Nam Long Group chỉ vỏn vẹn gần 33 tỷ đồng, giảm mạnh 91% so với 365 tỷ đồng của quý I/2021. Lợi nhuận chủ yếu thuộc về cổ đông không kiểm soát nên LNST công ty mẹ chỉ còn 630 triệu đồng, tương đương EPS vỏn vẹn 2 đồng.
Với mục tiêu đạt doanh thu thuần 7.151 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.526 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.206 tỷ thì Nam Long Group mới chỉ hoàn thành được 8,2% mục tiêu về doanh thu và 2% mục tiêu về lợi nhuận.
Đáng lưu ý, dòng tiền thuần lưu chuyển trong quý I/2022 của Nam Long Group âm do gánh nặng nợ vay.
Cụ thể, Nam Long Group phải trả nợ gốc vay lên hơn 904,5 tỷ đồng, trong khi tiền vay chỉ xấp xỉ 506 tỷ đồng. Điều này khiến dòng tiền tài chính của Nam Long Group âm hơn 546 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Nam Long Group cũng không mấy khả quan khi âm 93,4 tỷ đồng.
Dù dòng tiền hoạt động đầu tư của Nam Long Group dương hơn 412 tỷ đồng nhưng không thể “bù đắp” dòng tiền của doanh nghiệp này. Kết quả, dòng tiền thuần lưu chuyển trong quý I/2022 của Nam Long Group âm 227,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng tồn kho của Nam Long Group đang ở mức cao với 15.877 tỷ đồng chiếm 67,8% tổng tài sản. Trong đó các bất động sản dở dang tập trung lớn nhất ở 4 dự án Izumi (7.217,3 tỷ đồng), Southgate (3.820,7 tỷ đồng); Paragon Đại Phước (1.903,5 tỷ đồng); Waterpoint (1.401,6 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Nam Long Group đã thế chấp hàng loạt tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phát sinh từ các dự án do doanh nghiệp đầu tư cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam (Standard Chartered Bank) …
Ông Nguyễn Xuân Quang (sinh năm 1960) hiện đang là Chủ tịch HĐQT Nam Long Group. Đồng thời ông Quang cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Nguyên Sơn, Công ty CP Nam Long VCD, Công ty CP Phát triển Nam Long (Nam Long DC).
Đại gia quê Bình Thuận này hiện đang nắm giữ hơn 45,4 triệu cp NLG, tương đương với 11,87 % cổ phần của Nam Long Group. Ngoài ra, nhiều người trong gia đình của vị đại gia này cũng đang sở hữu cổ phiếu NLG. Đó là bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (vợ) với hơn 18,3 triệu cp, ông Nguyễn Tiến Dũng (anh trai) hơn 10.000 cp, ông Nguyễn Nam (con trai) gần 195.000 cp và ông Nguyễn Hiệp (con trai) hơn 1 triệu cp.