Ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng “lò vôi”) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam (Đại Nam). Doanh nghiệp này nổi tiếng khi sở hữu khu du lịch giải trí - tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến rộng trên 450 ha và là chủ đầu tư các khu công nghiệp gồm Sóng Thần 1, 2 và 3 tại tỉnh Bình Dương.
Đại Nam được thành lập vào tháng 3/1996 với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản.
Năm 2016, Đại Nam cho khởi công công trình trọng điểm là Trường đua Đại Nam với tổng diện tích 60ha, sau đó chính thức khai trương hoạt động vào đầu năm 2017. Đây là công trình thể thao tốc độ phức hợp đầu tiên tại Việt Nam có sự kết hợp của 5 loại hình đua: ngựa, chó, mô tô, go-kart, jet-ski và biểu diễn fly-board.
Được biết, Trường đua Đại Nam là ý tưởng được nảy ra và triển khai thực hiện trong vòng chưa đầy… 24h. Xuất phát từ mong muốn đầu tư vào phát triển thể thao bên cạnh du lịch hiện hữu của bà Nguyễn Phương Hằng và nhận được sự đồng lòng của toàn thể công ty. Trong ngày hôm sau, ông Huỳnh Uy Dũng đã cho tiến hành dự án. Ước tính nguồn vốn cho dự án này khoảng 100 triệu USD.
Giai đoạn 2016-2018, nguồn thu của Đại Nam tăng trưởng đều hàng năm. Năm 2016, doanh thu thuần của chủ sở hữu khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở mức 373 tỷ đồng, lãi gộp 320 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp 86% (cao so với một số doanh nghiệp cùng ngành).
Tuy nhiên, công ty báo lỗ sau thuế 51 tỷ đồng. Các khoản phải chi của Đại Nam là quá lớn.
Sang năm 2017, nguồn thu của công ty do doanh nhân sinh năm 1961 làm chủ tăng 9%, lên mức 405 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tương ứng là 371 tỷ đồng. Dẫu vậy, doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi cảnh thua lỗ khi lợi nhuận sau thuế âm tới 105 tỷ đồng.
Đến năm 2018, Đại Nam ghi nhận doanh thu thuần ở mức 454 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng được cải thiện, lần lượt đạt 438 tỷ đồng và âm 84 tỷ.
Năm 2019 chứng kiến sự lao dốc nghiêm trọng về kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Đại Nam. Trong khi nguồn thu giảm 10% về 409 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2017, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm đến 154 tỷ đồng.
Tính trung bình, chủ khu du lịch lớn nhất Bình Dương mỗi ngày làm ăn thua lỗ 422 triệu đồng.
Việc thua lỗ triền miên khiến Đại Nam bắt đầu âm vốn chủ sở hữu từ năm 2018 và đến năm 2020 vốn chủ sở hữu đã âm tới 344 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm cuối năm 2020, công ty này có hơn 6.500 tỷ đồng nợ phải trả.
Cuối tháng 11/2021, Đại Nam đã đi vay trái phiếu để làm dự án. Cụ thể, công ty phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu với mục đích đầu tư xây dựng nhà xưởng cho thuê số 2 thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần 3, phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Tối 24/3, Cơ quan An ninh điều tra, Phó Giám đốc Công an Tp.HCM, cho biết Công an Tp.HCM đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam tại Bình Dương) về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo Điều 331 Bộ luật hình sự. Theo Công an Tp.HCM, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. |