Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã CK: VCB).
Trong báo cáo này SSI cho rằng, việc Vietcombank ra mắt gói vay ưu đãi dành cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ ngày 15/7 sẽ khiến thu nhập lãi thuần của ngân hàng này trong 6 tháng cuối năm 2021 giảm 1.800 tỉ đồng. Ngoài ra, lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được áp dụng cho các khoản vay mới.
Do đó, SSI điều chỉnh ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Vietcombank giảm 8% so với dự báo trước đó, xuống còn 26.400 tỉ đồng (tăng 14,7% so với cùng kỳ).
SSI cũng ước tính tổng mức thiệt hại thu nhập lãi thuần trong 6 tháng cuối năm là 4.000 tỷ đồng, tương đương 9,3% so với thu nhập lãi thuần dự báo ban đầu cho năm 2021.
Song, nhóm phân tích cũng điều chỉnh giả định biên lãi ròng (NIM) ở mức 2,91% do chi phí vốn cải thiện, giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Do đó, hiện tại SSI Research ước tính tăng trưởng thu nhập lãi thuần của Vietcombank là 10,1% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (Ảnh minh họa) |
Về các hoạt động khác, nhóm phân tích ước tính thu nhập phí thuần tăng 12,2% , nhờ vào bancassurance, digibank và dịch vụ thẻ, trong khi thu từ nợ xấu đã xóa ước tính đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, chi phí hoạt động cũng ước giảm trong nửa cuối năm 2021, do chi phí quản lý đã được ghi nhận trước trong nửa đầu năm 2021.
Nhìn chung, SSI giả định hệ số chi phí trên thu nhập (CIR) điều chỉnh cho năm 2021 ở mức 34%, cao hơn mức 32,7% trong năm 2020, tuy nhiên cải thiện so với mức 35,3% trong 6 tháng đầu năm 2021. Chi phí dự phòng dự kiến ở mức 10.000 tỷ đồng (tăng 0,3%) trong năm nay và 8.000 tỷ đồng (giảm 20%) trong năm 2022.
Trong năm 2022, các chuyên gia SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của Vietcombank có thể đạt 33.700 tỷ đồng (tăng 27% ), được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là 14% và 10,9% so với cùng kỳ, và NIM cải thiện lên 3,07%.
6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank mạnh mẽ trong tất cả các mảng hoạt động: Tăng trưởng tín dụng tăng 9,8% so với đầu năm, cao hơn tổng mức tăng trưởng của các ngân hàng niêm yết mà SSI nghiên cứu là 7,7% so với đầu năm.
Điều này được thúc đẩy bởi các cho vay khách hàng cá nhân (tăng 11,8% so với đầu năm), doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng 9,8% so với đầu năm) và các tập đoàn lớn (tăng 8% so với đầu năm).
SSI cho biết, phần lớn tín dụng cho vay khách hàng cá nhân tăng là do cho vay mua nhà (tăng 11,8% so với đầu năm), tăng từ 25,8% trong tổng dư nợ năm 2020 lên 26,3% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Cho vay mua nhà là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho vay tại Vietcombank trong 3 năm qua. Cho vay các doanh nghiệp lớn tăng tốc với mức tăng trưởng mạnh nhất ở mảng có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 11% so với đầu năm).
NIM của nhà băng này cải thiện đáng kể trong quý 2/2021 (tăng 66 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 3,5%). NIM đã ở mức thấp trong quý 2/2020 khi Vietcombank triển khai các gói cho vay ưu đãi quy mô lớn.
Trong nửa đầu năm 2021, Vietcombank đã cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giảm tổng cộng 2.100 tỉ đồng thu nhập lãi. Tuy nhiên, chi phí vốn của nhà băng này lại giảm do xu hướng giảm của lãi suất huy động và số dư CASA được cải thiện (tăng 23,6% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, thu nhập phí thuần trong 6 tháng đầu năm 2021 của Vietcombank tăng 69,3% so với cùng kỳ, đạt 3.900 tỉ đồng. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ ngân hàng số (Digibank) tăng 85% so với cùng kỳ, đạt 80% so với năm 2020. Thu nhập từ dịch vụ thẻ tăng 60% so với cùng kỳ.
Vietcombank cũng đã thu được 400 tỉ đồng hoa hồng từ bán bảo hiểm (bancassurance). Vietcombank kỳ vọng bancassurance sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 60% so với cùng kỳ trong 5 năm tới và có khả năng là động lực tăng trưởng chính cho thu nhập phí.
Dịch vụ thanh toán tăng trưởng khiêm tốn ở mức 5% so với cùng kỳ, trong khi hoạt động tài trợ thương mại chậm lại do dịch COVID-19. Tuy nhiên, Vietcombank vẫn duy trì thị phần 15% trong hoạt động tài trợ thương mại.
Theo SSI, trong 6 tháng cuối năm 2021, Vietcombank có kế hoạch chi trả cổ tức 8% bằng tiền mặt cho năm 2020 và 27,6% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2019. Kế hoạch này đã được trình lên Chính phủ và ngân hàng đang chờ phê duyệt. Kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6,5% có thể bị lùi lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trước đó, trong báo cáo tài chính quý II được công bố vào cuối tháng 7, Vietcombank cho biết, tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 28.500 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 23,7% đạt 21.169 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ vẫn đạt 3.866 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ nhờ có sự tăng trưởng đột biến trong quý I/2021. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 5,2% đạt 2.028 tỷ; lãi từ hoạt động khác tăng 3,5% đạt 1.372 tỷ đồng. Riêng thu nhập góp vốn đầu tư giảm mạnh 85% xuống 54 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm ở mức 9.510 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng, ngân hàng này chi tới 5.500 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, tăng 37,2% so với cùng kỳ. Chính vì vậy, lũy kế lợi nhuận 6 tháng chỉ còn 13.569 tỷ, tăng 23,6% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Nhưng với mức lợi nhuận này, Vietcombank vẫn là quán quân lợi nhuận của toàn hệ thống ngân hàng và đã hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng.
Theo Doanh nhân Việt Nam