Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 của Vietnam Airlines vừa được công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, các khoản vay ngắn hạn tăng thêm hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó riêng Vietcombank tăng thêm gần 2.500 tỷ đồng, BIDV tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng giải ngân cho hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Một số ngân hàng khác cũng tham gia cung cấp vốn ngắn hạn cho Vietnam Airlines để đảm bảo thanh khoản gồm Techcombank, MSB, SeABank, Vietinbank.
Trong khi các khoản vay ngắn hạng được bổ sung từ các ngân hàng trong nước, các khoản thuê tài chính dài hạn (chủ yếu từ các ngân hàng nước ngoài) vẫn phải được thanh toán theo các hợp đồng thuê tài chính không thể hủy ngang.
Tổng cộng trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines phải trả khoảng 2.000 tỷ đồng các khoản thuê tài chính trong đó chủ yếu là ngân hàng hàng Citibank và Tập đoàn ING. Hiện tổng giá trị các khoản thuê tài chính (phục vụ cho việc đầu tư đội bay) của Vietnam Airlines còn 19.521 tỷ đồng đồng.
Đối với các khoản vay dài hạn Vietnam Airlines duy trì ở mức hơn 9.016 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Vietcombank là nhà cho vay dài hạn chính của hãng hàng không quốc gia với quy mô hơn 4.847 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng các khoản vay dài hạn.
Tổng giá trị các khoản vay ngắn và dài hạn Vietcombank đang cung cấp cho Vietnam Airlines đến cuối tháng 6 là hơn 8.000 tỷ đồng chiếm khoảng 22% tổng dư nợ vay và thuê tài chính của Tổng công ty hàng không Việt Nam.
Việc vay nợ ngắn hạn quy mô lớn để duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt tài sản ngắn hạn. Đây là điều đơn vị kiểm toán Deloitte lưu ý trong báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm của Tổng công ty.
Công ty kiểm toán Deloitte cũng nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm Vietnam Airlines có kết quả kinh doanh thua lỗ 6.678 tỷ đồng và dòng tiền kinh doanh âm 5.362 tỷ đồng. Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Tổng công ty.
Khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty hàng không Việt Nam phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp.
Tại Đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết đang kiến nghị Chính phủ cho vay 12.000 tỷ đồng xuất phát từ việc dòng tiền thâm hụt tính đến giữa tháng 7 là 16.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Vietnam Airlines tiết lộ Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã và đang xem xét triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính cho Tổng công ty để đảm bảo duy trì thanh khoản và hoạt động liên tục. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm việc cấp tín dụng không quá 4.000 tỷ đồng và cho phép Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Ngoài ra Vietnam Airlines đang đàm phán với một số đối tác để hoàn thành việc ký thỏa thuận bán cổ phần một công ty liên kết. Việc bán cổ phần này không được tiết lộ chi tiết nhưng được kỳ vọng sẽ hoàn thiện trong năm nay.
Do tác động của dịch Covid-19, trong kế hoạch kinh doanh năm 2020, Vietnam Airlines ước tính doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm 40,5% so với thực hiện năm 2019. Lỗ sau thuế là 15.177 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi 2.517 tỷ đồng.
Năm 2020, số lượng khách vận chuyển dự kiến 14,5 triệu khách, giảm 36,8% và số lượng khách luân chuyển là 16,2 tỷ khách/km, giảm 57%.