Hiện có 16 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có 12 công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. Ảnh minh họa. |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các công ty tài chính.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo này là các quy định về hạn chế, giới hạn cấp tín dụng. Theo đó, tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ được cấp tín dụng thời hạn đến 1 năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp với một số điều kiện, gồm: Có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp không được vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Đồng thời, Dự thảo Thông tư quy định tổ chức tín dụng phi ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trong các trường hợp: Tài sản bảo đảm là cổ phiếu của tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm là cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành mà khách hàng vay để mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó; để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của tổ chức tín dụng.
Bình luận về các quy định này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nội dung này kế thừa quy định hiện hành, tiếp tục định hướng hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư tài chính và chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ hơn việc thực thi các quy định này. Đó là những quy định cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Cùng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO nói: “Về cơ bản, việc thắt chặt để quản lý là hợp lý. Bên cạnh đó, cách kiểm soát thông qua các con số cụ thể cũng là hợp lý bởi các công ty tài chính đều có hệ thống thông tin đầy đủ, cập nhật số liệu liên tục. Nhìn chung từ trước tới nay, việc thực thi là nghiêm túc, chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ”.
NHNN cho biết, trên toàn hệ thống hiện có 16 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có 12 công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. NHNN thực hiện giám sát thường xuyên về tình hình tài chính và những vấn đề cần lưu ý đối với các công ty tài chính theo 2 nhóm (công ty tài chính hoạt động bình thường và công ty tài chính hoạt động yếu kém) với các nội dung: huy động vốn, cho vay, chất lượng tài sản, kết quả kinh doanh, tình hình thanh khoản, việc thực hiện các tỷ lệ an toàn hoạt động...
Đánh giá cao hoạt động giám sát của NHNN với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục tính đến các giải pháp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo đó, Nhà nước nên cởi mở hơn với các mô hình tín dụng mới nhưng có kiểm soát. Bởi, tài chính tiêu dùng vẫn là nhu cầu quan trọng của người dân, đặc biệt là phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, dưới chuẩn, không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, tài chính tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Từ góc độ khác, luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm, về lâu dài cần tách các công ty tài chính ra khỏi ngân hàng và hoạt động độc lập, bởi tính chất huy động vốn là không giống nhau.
“Nên hướng tới mô hình công ty tài chính là những doanh nghiệp huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân chứ không phải từ người dân như hệ thống ngân hàng. Hoạt động cho vay của các công ty này có rủi ro cao nên mức lãi suất cũng cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, khi hoạt động của các công ty tài chính được kiểm soát thì sẽ giảm thiểu rủi ro. Khi đó, các công ty này có thể cạnh tranh được với tín dụng đen và góp phần lành mạnh hóa thị trường tín dụng phi ngân hàng”, ông Đức nói.
Theo Báo Đấu thầu