Tiết kiệm ngân hàng-kênh đầu tư “ăn chắc mặc bền”

NHVN 09:09 05/07/2020

Trong những ngày qua, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, khi mà nhiều kênh đầu tư bước vào giai đoạn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro thì hiện nay

Ảnh minh họa

Lãi suất tiền gửi giảm vẫn hút khách

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng buộc phải cắt giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tái hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ, từ nay đến cuối năm, ngân hàng đang cố gắng tạo ra nguồn vốn với chi phí thấp để có thêm dư địa giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, và đó cũng là cách để ngân hàng hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2020.

Ngay đầu tháng 7 nhiều ngân hàng đã công bố biểu lãi suất huy động mới theo hướng giảm ở các kỳ hạn.

Đối với nhóm "Big 4", lãi suất huy động đã có nhiều biến động. Theo đó, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng có lãi suất chỉ từ 4%/năm; kỳ hạn 9 tháng với lãi suất chỉ 4,9-5,1%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ khoảng 6,5-6,6%/năm.

Trước đó, trong tháng 6, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm nhẹ lãi suất huy động từ mức 0,2 - 0,5%/năm ở một số kỳ hạn. Không chỉ giảm lãi suất ở các kỳ hạn dưới 6 tháng về còn tối đa là 4,25%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất các kỳ hạn dài cũng giảm theo. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,05-0,1 điểm % ở các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng còn 4,2%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 6,9%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng 7,3%/năm.

Cùng chung đà giảm, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng còn 5,6%/năm, 12 tháng còn 7,2%/năm. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thông báo giảm lãi suất với tất cả sản phẩm tiết kiệm và tiền gửi kỳ hạn từ 0,3-1,1% năm từ ngày 2/7.

Nhìn vào đà giảm lãi suất huy động tại các ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng: Các ngân hàng đã kịp thời điều chỉnh “những cái thừa” của thanh khoản bằng cách giảm lãi suất huy động, qua đó giúp giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện giảm lãi suất đầu ra. Đây cũng được xem là một cách để kích cầu tín dụng.

Tiết kiệm ngân hàng-kênh đầu tư “ăn chắc mặc bền”

Mặc dù lãi suất huy động được dự báo vẫn giữ đà giảm nhưng tổng tiền gửi vào hệ thống tổ chức tín dụng vẫn tăng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng tiền gửi tại hệ thống tổ chức tín dụng tăng 0,07%. Đặc biệt tiền gửi của dân cư tăng ở mức 3,36%. Nhờ vậy, chỉ trong 2 tháng cuối quý II/2020, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng khá mạnh lên mức 5,3 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, nền kinh tế trong nước và quốc tế được đánh giá còn nhiều bất ổn do dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến bất thường. Mặc dù, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nền kinh tế vẫn nhiều khó khăn. Điều này kéo theo các kênh đầu tư tài chính cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi bất động sản đang “bất động”, giá vàng tăng vượt ngưỡng, thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn khó… Vì vậy, theo các chuyên gia, dù lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng giảm nhưng đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.

Lý giải điều này, TS. Cấn Văn Lực nhận định: Rõ ràng kênh đầu tư vào tiền gửi luôn an toàn và thuận tiện. Tức là người dân có thể rút ra bất kỳ lúc nào, nhiều thời hạn khác nhau như ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư vào tiền gửi vẫn là kênh đầu tư rất hiệu quả so với những kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sạn… chưa đựng nhiều rủi ro trong thời gian vừa qua.

Cùng chung quan điểm này, theo chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, với tâm lý "ăn chắc mặc bền", người dân lâu nay vẫn lựa chọn kênh ngân hàng là kênh trú ẩn an toàn nhất dù lãi suất huy động vẫn chưa "dứt" đà giảm. Mặc dù không phải là kênh sinh lời lớn, song đây là kênh không tiềm ẩn những rủi ro nhiều như vàng hay bất động sản, chứng khoán…

Tuy nhiên, xu hướng các nhà đầu tư hiện nay đều muốn đa dạng hoá các kênh đầu tư. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng trong gian đoạn này, các nhà đầu tư cần thận trọng và tăng cường hiểu biết với các kênh đầu tư của mình.

Theo TS. Cấn Văn Lực, nhà đầu tư cần áp dụng nguyên tắc số một là “không bỏ trứng chung một giỏ”, tức là đa dạng hoá các kênh đầu tư. Tiếp đó, cần tăng cường hiểu biết của mình đối với các kênh đầu tư, đặc biệt là các sản phẩm tài chính ngân hàng vì nó tương đối phức tạp. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể lựa chọn một số kênh đầu tư khác như là khởi nghiệp, chứng khoán… tuỳ vào lựa chọn của mỗi nhà đầu tư.

Với kênh đầu tư vàng, ông Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, sự biến động của giá vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên luôn biến chuyển phức tạp. Vàng vẫn luôn là kênh đầu tư nhiều rủi ro nên nhà đầu tư cần nhắc khi đổ tiền vào vàng trong năm nay.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/tiet-kiem-ngan-hang-van-la-kenh-dau-tu-vang-cua-nguoi-dan-103700.html

Bạn đang đọc bài viết Tiết kiệm ngân hàng-kênh đầu tư “ăn chắc mặc bền” tại chuyên mục Dịch vụ tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Dịch vụ tài chính
Hiện nay, hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), Thông tư số 39/2014/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung)...