Ngày 7/7, tại Hội thảo “VietinBank SME Stronger - Cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vững vàng vượt sóng” ở TP.HCM, PGS-TS. Nguyễn Đức Thành - chuyên gia kinh tế vĩ mô, đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, chính sách tín dụng mở rộng cho DN có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể các chính sách của Chính phủ nhằm khắc phục những khó khăn của nền kinh tế hiện nay do đại dịch Covid-19 gây nên.
Theo đó, Chính phủ đang triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ DN như hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thông qua chính sách tín dụng, giảm lãi suất và điều hành tỷ giá; hỗ trợ thông qua nhóm chính sách tài khóa như cắt giảm các khoản thu, phí… đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung xử lý vướng mắc về lao động. Đồng thời thúc đẩy tiến hành các công trình đầu tư công lớn từ nay đến cuối năm để đưa vốn vào nền kinh tế. Tuy nhiên, theo TS. Thành, bản thân các DNNVV cũng cần nắm bắt nhằm tìm ra hướng đi mới cùng những giải pháp phù hợp, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh khi Việt Nam bước vào trạng thái “bình thường mới”.
VietinBank luôn đi tiên phong trong việc hỗ trợ DNNVV |
Giới chuyên môn đã có nhiều cảnh báo rằng nhóm DNNVV là đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ những tác động của thị trường do tiềm lực tài chính yếu và khả năng chống chịu với những cú sốc của thị trường. Trong khi cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020 càng bào mòn tiềm lực tài chính của khối DN này. Theo đó, trong đại dịch Covid-19 hầu hết các DN đều chịu tác động bất lợi như sụt giảm doanh thu, khó khăn nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, gián đoạn các chuỗi sản xuất quan trọng… Các DN trong ngành kinh tế thế mạnh của Việt Nam như ngành du lịch, kinh doanh dịch vụ lưu trú, vận tải, nông thủy sản, dệt may… đều chịu tác động bất lợi này.
Theo số liệu thống kê, DNNVV chiếm đến 98% tổng số DN Việt Nam và đóng góp khoảng 40% GDP cả nước nên lúc này rất cần sự giúp đỡ. Ông Trần Minh Bình - Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: Khó khăn của DNNVV trong thời Covid-19 là sự thiếu hụt dòng tiền và điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các DN.
Trên thực tế, không phải trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, mà DNNVV luôn là đối tượng ưu tiên của các ngân hàng. Theo đó, khối DNNVV hiện nay được xếp vào một trong 5 nhóm lĩnh vực ưu tiêu (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ và DN có sản phẩm sử dụng công nghệ cao) được ưu tiên đầu tư tín dụng với lãi suất ưu đãi, thấp hơn so với những đối tượng khác. Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 6/2020 dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đã lên đến 175 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nhóm DNNVV lên đến 126 ngàn tỷ đồng. Cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đang được thực hiện theo cơ chế cho vay ngắn hạn bằng VND lãi suất không quá 5%/năm.
VietinBank là một trong những ngân hàng luôn đi tiên phong trong việc hỗ trợ DNNVV, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Tổng giám đốc VietinBank Trần Minh Bình cho biết, tính đến cuối tháng 6 dư nợ phân khúc nhóm khách hàng DNNVV của ngân hàng này đạt gần 247.000 tỷ đồng, chiếm 26% dư nợ khách hàng DN. Trong đại dịch Covid-19 (từ ngày 23/1 tới 19/6/2020), VietinBank cũng cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ cho gần 500 khách hàng DNNVV chiếm 41% tổng dư nợ nhóm khách hàng DN tương ứng 25.000 tỷ đồng.
Song song với các giải pháp thực thi theo các định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN bằng các gói tín dụng ưu đãi, miễn giảm lãi, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, VietinBank là một trong những ngân hàng đưa ra chuỗi các giải pháp tài chính dành riêng cho phân khúc DN này như: Chương trình tín dụng đồng hành cùng DNNVV; Gói tín dụng cho vay linh hoạt lãi suất cố định; Gói vay 10.000 tỷ đồng hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ tại TP HCM; Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay dành cho DN khởi nghiệp quy mô 3.000 tỷ đồng; Cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Gần đây, ngân hàng này còn triển khai gói ưu đãi tổng thể VietinBank SME Stronger là tổng thể bao gồm các chính sách linh hoạt về giá, lãi suất và phí; các ưu đãi về sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng này và hệ sinh thái các công ty con, các công ty thành viên; mở rộng các cơ hội kết nối kinh doanh và mở rộng thị trường thông qua các kênh kết nối đa dạng cả online và offline bằng chính mạng lưới rộng khắp của ngân hàng hỗ trợ DN thời kỳ hậu Covid-19 phục hồi và phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống các TCTD. Vừa qua làm việc với các địa phương và lắng nghe các kiến nghị, cũng như kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, NHNN sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020 cũng như các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại.
“NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các TCTD từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm”, Thống đốc nhấn mạnh.
Theo Thời báo Ngân hàng