Các nội dung dự kiến bàn thảo liên quan đến luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), trong đó, đề cập đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm; việc kê biên tài sản của người phải thi hành án nếu tài sản đó đang được thế chấp cho khoản nợ xấu; việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự hoặc là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Lúng túng thu giữ tài sản bảo đảm
Theo TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Nghị quyết 42 từng được coi là “ngoại lệ có điều kiện” mang tính đặc thù khi trao quyền cho tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần thông qua phán quyết của tòa án. Chính điều này lý giải vì sao "khoảng trống" pháp lý hiện nay đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại khi văn bản pháp lý đặc thù này hết hiệu lực.
Chia sẻ gần đây, ông Phan Đình Điền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB cũng nhận định, xử lý nợ xấu là nội dung đặc biệt quan trọng đối với các tổ chức tín dụng. Trong thời gian triển khai, Nghị quyết 42 tạo động lực đáng kể cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, kể từ khi nghị quyết này hết hiệu lực, khoảng trống pháp lý đã xuất hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý nợ.
Thực tiễn cho thấy, việc thu giữ tài sản bảo đảm hiện vẫn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố bên thế chấp có hợp tác hay không. Trong nhiều trường hợp, bên bảo đảm có hành vi chống đối, được hiểu là các hành vi hoặc lời nói nhằm cản trở quá trình thu giữ tài sản dù đúng quy định pháp luật.
Đơn cử, bên bảo đảm có thể khóa cửa không cho tiếp cận, từ chối hợp tác, nộp đơn khiếu nại để tạm ngưng quá trình thu giữ hoặc ủy quyền cho bên thứ ba phản đối việc xử lý tài sản. Theo lãnh đạo SCB, những hành vi này gây ra nhiều khó khăn, kéo dài quá trình xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Cân bằng giữa xử lý nợ và bảo vệ tài sản người dân
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến quyền thu giữ, xử lý và hoàn trả tài sản bảo đảm không chỉ góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong thực tiễn xử lý nợ, mà còn là điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, đảm bảo quyền sở hữu và quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Hiến pháp và các bộ luật liên quan.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cũng lưu ý rằng, quy định tại Điều 198a về việc trao quyền cho tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản bảo đảm, mà không cần phán quyết của tòa án tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu, đây là một quyền hiến định được pháp luật bảo vệ tuyệt đối.
Đại biểu lý giải, trong bối cảnh thực tế tại Việt Nam, nhiều tài sản bảo đảm không đơn thuần là vật thế chấp, mà còn gắn liền mật thiết với đời sống dân sinh như nhà ở có người cư trú lâu dài, tài sản thừa kế đang tranh chấp, hay phương tiện mưu sinh duy nhất của hộ gia đình. Nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, việc tổ chức tín dụng tiến hành thu giữ trực tiếp, dù có thông báo trước vẫn có thể tạo ra hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt khi xảy ra mâu thuẫn giữa bên bảo đảm và người đồng sở hữu hoặc cư trú thực tế. Điều này không chỉ làm phát sinh xung đột xã hội, mà còn tiềm ẩn khả năng vi phạm quyền lợi của các bên liên quan vốn không có tiếng nói trong hợp đồng bảo đảm ban đầu.
Hiện nay, các cơ quan thi hành án đóng vai trò trung gian, đảm bảo tính khách quan và hỗ trợ hòa giải trong quá trình xử lý cưỡng chế tài sản. Việc trao toàn quyền thu giữ tài sản cho bên nhận bảo đảm, là bên có lợi ích trực tiếp trong giao dịch, có thể làm suy giảm tính công bằng, khiến cán cân giữa quyền lực tài chính và quyền dân sự trở nên mất cân đối.
“Ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung cơ chế giám sát độc lập, hoặc bắt buộc có sự tham gia của cơ quan tư pháp, nhằm tránh lạm dụng quyền thu giữ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, đặc biệt trong các trường hợp tài sản bảo đảm có yếu tố cư trú, sinh kế hoặc tranh chấp phát sinh” - đại biểu Nguyễn Như So đề nghị.