Trên đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng với phóng viên Dân trí tại "Hội chợ việc làm cầu nối nhân lực 2025" của Học viện Ngân hàng, diễn ra ngày 22/4 tại Hà Nội.
Lương tài chính - ngân hàng đứng đầu khối ngành kinh tế
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, thống kê những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên ra trường làm đúng chuyên ngành hơn 90%. Áp lực đang dồn lên nhân lực ngành tài chính- ngân hàng cho sự phát triển của công nghệ.
"Mặc dù vậy, mức lương của ngành tài chính - ngân hàng được đánh giá luôn dẫn đầu trong khối ngành kinh tế, đấy là cơ hội hấp dẫn cho các sinh viên khi lựa chọn ngành nghề này.
![]() |
Sinh viên tìm hiểu cơ hội việc làm tại Học viện Ngân Hàng |
Đặc biệt, với những nhân sự có cơ hội thể hiện bản thân tốt, mức lương còn cao hơn nhiều. Đây là cơ hội hấp dẫn cho sinh viên ngành tài chính- ngân hàng", ông Phương đánh giá.
Cũng theo chuyên gia này, xu thế công nghệ phát triển hiện nay, áp lực với nhân sự ngành tài chính- ngân hàng ngày càng lớn.
Vì vậy, sinh viên phải nỗ lực hết mình, trau dồi kiến thức và kỹ năng, có tính liên ngành trong quá trình học tập. Điều này đòi hỏi sinh viên nỗ lực để đạt kiến thức đa ngành hơn, đáp ứng mọi tình huống.
Mặc dù đại diện Học viện Ngân hàng đưa ra mức lương khởi điểm khá cao cho "tân binh" ngành tài chính - ngân hàng nhưng theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc điều hành nền tảng Công nghệ Tuyển dụng JobOKO, mức lương khởi điểm cho sinh viên mới ra trường khối ngành tài chính - ngân hàng hiện dao động khoảng 7-12 triệu đồng/tháng, tùy năng lực, trường đào tạo và vị trí công việc.
Mức lương này cao/thấp, một phần phụ thuộc nhân sự ấy ở nông thôn hay thành phố lớn.
![]() |
Nhiều sinh viên tranh thủ phỏng vấn doanh nghiệp tại sự kiện |
Riêng với vị trí nhân viên kinh doanh, nếu làm tốt, thu nhập của ứng viên chưa có kinh nghiệm có thể lên mức 15 triệu đồng/tháng. Những vị trí có mức lương cao hơn mặt bằng trong khối ngành tài chính - ngân hàng thường là: phân tích dữ liệu tài chính; chuyên viên quản trị rủi ro…
Thống kê của đơn vị này cũng cho thấy, so với 5 năm trước, mức lương khởi điểm trong ngành tài chính - ngân hàng đã có sự tăng nhẹ, dao động khoảng 10-20%, tùy theo vị trí và loại hình tổ chức (ngân hàng thương mại, công ty tài chính, fintech...).
Tuy không tăng mạnh, nhưng mức lương phản ánh sự chuyển dịch về chất, nhà tuyển dụng đòi hỏi ứng viên có tư duy công nghệ, hiểu biết dữ liệu và kỹ năng mềm tốt hơn, từ đó mới sẵn sàng trả mức lương cao hơn mặt bằng cũ.
Vị trí việc làm được đánh giá "hot" nhất hiện nay trong ngành tài chính - ngân hàng liên quan đến Fintech (công nghệ tài chính) và ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo).
"Tuy nhiên các vị trí trên ít tuyển những người thiếu kinh nghiệm. Ứng viên ít nhất phải qua quá trình thực tập tại ngân hàng mới có cơ hội ứng tuyển", ông Tuấn Anh nói.
![]() |
Một số mảng nhân sự thuộc khối kinh doanh, khối chuyển đổi số nhu cầu vẫn cao |
Áp lực cho nhân sự ngành tài chính - ngân hàng
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, so với năm ngoái, một số mảng nhân sự thuộc khối kinh doanh, khối chuyển đổi số/IT nhu cầu vẫn cao.
Mặc dù vậy, theo số liệu thống kê từ JobOKO, lượng việc làm toàn thị trường ngành tài chính - ngân hàng những tháng đầu năm nay đã giảm 19,46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều ngân hàng tiến hành tái cấu trúc, áp dụng thêm các công nghệ mới, chuyển đổi số, hướng tới ngân hàng số dẫn tới nhiều nhóm nhân sự trước đây cần nhiều như giao dịch viên bị cắt giảm mạnh, thậm chí khối nghiệp vụ cũng có thể bị tinh gọn.
Tuy vậy áp lực kinh doanh, phát triển mở rộng tập khách hàng của các doanh nghiệp khối này vẫn rất cao nên nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tuyển mạnh nhân sự khối kinh doanh - bán hàng.
Cùng với đó, nhân sự lập trình viên, phát triển sản phẩm, AI, phân tích dữ liệu là nhóm giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu chuyển đổi số.
Trước làn sóng công nghệ đang dần chiếm lĩnh thị trường, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương cho hay, nhà trường phải đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp xu thế.
"Trong các chương trình đào tạo, chúng tôi có môn học liên kết giữa các ngành để tăng năng lực số cho sinh viên.
Dưới sự tác động lớn của trí tuệ nhân tạo, chúng tôi có những môn như năng lực số, các môn học liên quan đến AI, Blockchain, fintech, ngân hàng số, phân tích dữ liệu trong kinh doanh…, để đáp ứng nhu cầu", ông chia sẻ.
Mặc dù vậy AI chỉ là công cụ, công nghệ không thể làm việc, giao tiếp mà chỉ có con người mới thực hiện được.
Do vậy, lời khuyên ông Phương đưa ra với sinh viên phải không ngừng học hỏi, có trải nghiệm thực tiễn nhiều hơn.
"Nếu các em chỉ học trên sách vở, không thể đáp ứng được yêu cầu", ông Phương khẳng định.