Theo đó, tiếp tục nội dung phiên họp sáng 07/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tham gia ý kiến về Dự án Luật sửa 7 Luật lĩnh vực tài chính, liên quan nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cảnh báo quy mô thị trường cho vay cầm cố hiện khá lớn khi thống kê mới nhất của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý III/2024 của 68 công ty chứng khoán - đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành cho thấy dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ đạt hơn 228.000 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2024 và cần thêm công cụ quản trị rủi ro.
Trước thực trạng đã nêu, đại biểu cho rằng, các ngân hàng thương mại đã có Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng vay, trong khi công ty chứng khoán chưa có mô hình tương tự. Điều này dẫn tới một khách hàng có thể vay tại nhiều công ty chứng khoán, trong trường hợp khách hàng này bị một công ty chứng khoán bán giải chấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nợ tại các công ty chứng khoán còn lại.
“Vì vậy, rất cần một công ty thông tin tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán (tương tự CIC) để giúp các công ty chứng khoán quản trị rủi ro tốt hơn...”, đại biểu đề xuất.
Cũng tham gia ý kiến về Luật Chứng khoán, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội bày tỏ đồng ý về việc bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thu thập, tập hợp thông tin, phát hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán; quyền, trách nhiệm, quy trình phối hợp với cơ quan điều tra liên quan đến các tội phạm về thị trường chứng khoán, trong đó có hành vi thao túng thị trường chứng khoán (khoản 4 Điều 1 Dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Luật Chứng khoán).
Tuy nhiên, theo đại biểu, Chính phủ cần rà soát để đảm bảo quy định tại Dự thảo Luật phù hợp, đồng nhất với các quy định pháp luật liên quan trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Đồng thời, cần rà soát, làm rõ, chi tiết các khái niệm, định nghĩa liên quan đến việc xác định hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, việc sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang diễn ra phổ biến, cần nghiên cứu quy định tại Dự thảo Luật để đảm bảo các quy định có khả năng bao quát các hành vi được thực hiện bởi nhiều công cụ.
Bên cạnh đó, về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (khoản 5 Điều 1 Dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Luật Chứng khoán), đại biểu cho rằng, việc bổ sung điểm g khoản 3 Điều 15 của Luật hiện hành theo hướng một trong các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là “Đáp ứng quy định của Chính phủ về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm” là cần thiết. Tuy nhiên, việc “xếp hạng tín nhiệm” cần quy định rõ ràng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ có quy chế thực hiện rõ ràng để đảm bảo tính hiệu quả của việc xếp hạng tín nhiệm.
Không chỉ có vậy, liên quan đến chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (khoản 8 Điều 1 Dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 31 của Luật hiện hành), đối với nội dung đề xuất tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu từ 1 năm lên 3 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp, do trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt là các loại trái phiếu do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành là một loại sản phẩm có mức độ rủi ro cao.
Theo đại biểu, mặc dù pháp luật của một số quốc gia trên thế giới không cấm nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân tham gia thị trường này nhưng trên thực tế hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư trái phiếu riêng lẻ thường chỉ được thực hiện giữa các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và các ngân hàng đầu tư.
Đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm về chính sách trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đồng thời với việc hoàn thiện thống nhất các quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của công ty đại chúng và công ty không phải là đại chúng để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, doanh nghiệp mở rộng cơ hội tiếp cận, huy động các nguồn vốn khác trong phát triển kinh tế.
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung khoản 2 về chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng theo hướng: “bổ sung ngoại trừ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu thì không phải đạt tỷ lệ tối thiểu 70% số cổ phiếu được chào bán trong trường hợp chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành”.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 3 về chào bán trái phiếu ra công chúng theo hướng: “bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ”.
Giải trình những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tăng cường thanh kiểm tra thị trường chứng khoán để hạn chế rủi ro…
Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp