Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán PTI) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022. Theo đó, doanh thu năm 2022 của PTI đạt 5.330,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2021.
Tuy nhiên, doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư, doanh thu hoạt động tài chính đều sụt giảm, trong khi chi phí quản lý tăng cao khiến lợi nhuận trước thuế của PTI âm 351,1 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế ở mức 352,3 tỷ đồng (giảm 237% so với năm 2021).
Đây là quý thứ 3 liên tiếp PTI báo lỗ. Trong khi, năm 2021 công ty này lợi nhuận sau thuế đạt 257,5 tỷ đồng và quý 1/2022 lãi sau thuế gần 35 tỷ đồng.
Trong năm 2022, PTI có nhiều sự thay đổi nhân sự cấp cao. Có lẽ việc thay đổi dàn lãnh đạo phần nào ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Cụ thể, ngày 19/1/2022, Bảo hiểm Bưu điện có Nghị quyết số 04 về việc miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Minh Đức. Người thay ông Đức là bà Nguyễn Hồ Nga.
Chưa đầy 2 tháng sau (ngày 10/3/2022), PTI lại có Nghị quyết số 22 về việc miễn nhiệm và bầu Chủ tịch HĐQT. Cụ thể, bà Phạm Minh Hương được bầu làm Chủ tịch HĐQT PTI thay bà Nguyễn Hồ Nga.
Bảo hiểm Bưu điện trước đây có lợi thế từ việc triển khai bán hàng qua hệ thống của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Điều này giúp PTI là doanh nghiệp top đầu thị phần trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.
Sau khi VNPost thoái hết vốn khỏi đây vào cuối năm 2021, nhóm cổ đông mới có liên quan đến bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT của Vndirect thay thế thì các khoản chi hoa hồng, chi phí khác liên quan đến hoạt động bảo hiểm của PTI có xu hướng tăng mạnh và kết quả kinh doanh của công ty không mấy thuận lợi.
Hiện nay, 2 nhóm cổ đông lớn nhất ở PTI gồm CTCP Chứng khoán Vndirct cùng các cổ đông theo ủy quyền (chiếm 42,33%); và Công ty Bảo hiểm DB - Hàn Quốc (chiếm 37,32%).
PTI được đánh giá là mảnh ghép quan trọng để CTCP Tập đoàn đầu tư IPA – tập đoàn của vợ chồng doanh nhân Phạm Minh Hương, Vũ Hiền - trở thành 'định chế đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và công nghệ tài chính'. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên 2022, kế hoạch tăng vốn cho PTI - đứng đầu là Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Hương – đề xuất đã bị 2 cổ đông là DB Insurance, Tổng Công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam phủ quyết.
Cụ thể, HĐQT PTI đã đề xuất 3 tờ trình tăng vốn điều lệ, thông qua phát hành mới cho cổ đông hiện hữu tỉ lệ 1:1 (giá 10.000 đồng/cp), phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỉ lệ 120%, và phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP tỉ lệ 2% với giá 10.000 đồng/cp.
Nếu hoàn tất các phương án tăng vốn kể trên, quy mô vốn điều lệ của PTI sẽ tăng ít nhất 3 lần, từ 803,9 tỷ đồng lên 2.572,5 tỷ đồng, qua đó vượt lên nhóm đầu về vốn điều lệ trong tốp 10 công ty bảo hiểm, chỉ đứng sau Bảo hiểm Bảo Việt (với quy mô vốn điều lệ tại ngày 31/12/2021 là 2.900 tỷ đồng, theo tờ trình của HĐQT PTI).
Tuy nhiên, cả 3 tờ trình tăng vốn nêu trên chỉ nhận được tỉ lệ biểu quyết tán thành từ 51 – 55,9% tổng số phiếu có quyền biểu quyết tham dự đại hội, thấp hơn tỉ lệ tối thiểu 65%, do vậy đều không được thông qua.