Doanh số hỗ trợ đạt hơn 190.000 tỷ đồng với dư nợ đạt hơn 63.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 873 tỷ đồng cho hơn 2.200 khách hàng, chủ yếu cho khách hàng doanh nghiệp chiếm 99%.Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, từ khi chính sách hỗ trợ lãi suất được ban hành tới nay, NHNN đã tích cực phối hợp các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm được tiếp cận chính sách.
Minh chứng là NHNN đã tổ chức 6 hội nghị, cuộc họp chuyên đề về hỗ trợ lãi suất; ban hành 14 văn bản để hướng dẫn, cung cấp thông tin, giải đáp các vấn đề phát sinh và đôn đốc các NHTM triển khai chính sách; tổ chức truyền thông một cách rộng rãi bằng nhiều hình thức qua cơ quan báo chí, truyền thông và trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng và các Hiệp hội ngành nghề, Hiệp hội doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố.
NHNN cũng thành lập các Đoàn công tác liên bộ khảo sát thực tế tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất tại một số địa phương, thông qua đó kịp thời đôn đốc, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho NHTM và khách hàng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất. Căn cứ thực tế triển khai, NHNN đã kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông qua 10 Tờ trình báo cáo đầy đủ các khó khăn, vướng mắc đồng thời có các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất.
Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đến hiện tại vẫn còn khiêm tốn, dù thời hạn của gói hỗ trợ này không còn nhiều. Lý giải nguyên nhân, bà Giang cho biết, do khách hàng không đáp ứng điều kiện là đối tượng được hỗ trợ, đơn cử như khách hàng hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh... Có trường hợp khách hàng đáp ứng điều kiện nhưng lại có tâm lý e ngại công tác hậu kiểm; hay ngân hàng khó đánh giá về khả năng “phục hồi” như quy định. Một số khách hàng lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ…
Là nhà băng tích cực trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank chia sẻ, ngay khi chính sách được ban hành, ngân hàng đã kịp thời ban hành nhiều quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện; tổ chức hội nghị triển khai đến toàn bộ chi nhánh, điểm giao dịch trên cả nước. Kết quả, đến 30/9/2023, Agribank đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khoảng 1.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt trên 13.300 tỷ đồng, dư nợ trên 4.560 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 77 tỷ đồng. Ngoài ra, theo rà soát của Agribank có hơn 61.000 khách hàng với dư nợ hơn 36.000 tỷ đồng đủ điều kiện, nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất.
Câu chuyện doanh nghiệp từ chối nhận hỗ trợ không chỉ xảy ra tại Agribank mà diễn ra ở nhiều nhà băng khác. Các ngân hàng cho biết, sau khi Chính phủ ban hành chính sách, có hướng dẫn của NHNN, các TCTD đã ngay lập tức thực hiện rà soát các khách hàng đủ điều kiện, tới tận nơi để hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ để nhận hỗ trợ. Thậm chí, một số ngân hàng còn sẵn sàng hỗ trợ thêm về lãi suất... nhưng vẫn chỉ nhận được cái “lắc đầu” của doanh nghiệp.
Lý giải nguyên nhân, một doanh nghiệp chia sẻ, gói hỗ trợ lãi suất “ế” là do các doanh nghiệp ngại việc thanh tra, kiểm tra sau này. Thay vì hỗ trợ 2% lãi suất, doanh nghiệp muốn Chính phủ có những ưu đãi thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm… mạnh mẽ hơn nữa.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, một trong những lý do khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm do thiết kế chương trình hỗ trợ rất thận trọng, trong đó có quy định về "dự án có khả năng phục hồi". Quy định này khiến người đi vay, đơn vị cho vay đều "ngại" trong việc hiểu thế nào là doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Do đó, chưa đạt kỳ vọng chương trình đưa ra.
Còn theo PGS.TS Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thực tế triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đang không hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đề ra là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hồi phục, khôi phục sản xuất, kinh doanh, mặc dù từ phía các NHTM đã rất nỗ lực, tích cực. Chính vì vậy, cần chuyển đổi gói hỗ trợ, để nguồn lực này cho một chương trình khác, vẫn mang tính chất hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử như chính sách tài khoá đó là miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp hay dành nguồn lực cho thúc đẩy đầu tư công.