Theo Cục Hàng không, căn cứ Luật Đầu tư thì dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh mục các dự án cần phải phê duyệt chủ trương đầu tư của các cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, căn cứ Nghị định số 89/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, thì IPP Air Cargo phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Tuy nhiên, vào hồi tháng 5/2020, Bộ GTVT đã có văn bản số 4620/2020 báo cáo Thủ tướng chỉ xem xét thành lập hãng hàng không mới sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022). Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị của Bộ GTVT.
Chính vì vậy, để có cơ sở trả lời IPP Air Cargo, Cục Hàng không Việt Nam xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT về việc hướng dẫn xây dựng và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lập hãng bay chở hàng |
Trước đó, Công ty cổ phần IPP Air Cargo - thành viên của Tập đoàn IPPG - đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo.
Mục tiêu của IPP Air Cargo là thành lập 1 hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Nếu được chấp thuận đây là hãng hàng không vận tải hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép hoạt động.
Theo kế hoạch, IPP Air Cargo muốn khai thác năm máy bay chở hàng vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD trong năm đầu tiên, sau đó tăng dần lên bảy chiếc vào năm thứ hai và mười chiếc vào năm thứ ba. Doanh nghiệp đặt mục tiêu có chuyến bay thương mại đầu tiên từ quý II/2022 và dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.
Tại Việt Nam, hiện chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa riêng biệt. Trong khi đó hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển.
An Tú/Theo Tài chính Doanh nghiệp