Ngân hàng “soán” ngôi bất động sản về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

nhịp sống thị trường 11:16 13/02/2023

Hết năm 2022, tại nhiều ngân hàng thương mại dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm.

Ngân hàng “soán” ngôi bất động sản về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Trước những biến động của tình hình trong nước, nhưng nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh: Int)

Theo UBCKNN, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), khối lượng phát hành có xu hướng giảm trong thời gian qua. Tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành TPDN là 331.811 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Trong đó, các ngân hàng thương mại phát hành chiếm 41%, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 28,59 % và 7,73%, doanh nghiệp sản xuất chiếm 6,72% tổng khối lượng phát hành.

Cũng theo số liệu từ UBCKNN, các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán là các nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ, sở hữu lần lượt 45,3% và 23,91% tổng khối lượng phát hành. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm 9,44% tổng khối lượng phát hành.

Hoạt động mua lại trước hạn gia tăng, với tổng khối lượng trái phiếu mua lại lũy kế từ đầu năm là 161.656 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cả năm 2021. Trong khi đó, khối lượng TPDN đáo hạn tháng 12/2022 là 42,2 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản là 19.287 tỷ đồng (99,5% có tài sản đảm bảo), tổ chức tín dụng là 9.828 tỷ đồng, doanh nghiệp sản xuất là 7.854 tỷ đồng, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ là 2.100 tỷ đồng.

Với vai trò là người mua chính trên thị trường, các ngân hàng thương mại đang sở hữu khối lượng lớn TPDN. Tuy nhiên, theo như UBCKNN thì số lượng phát hành giảm sau hàng loạt biến động của thị trường trái phiếu như sự kiện Tân Hoàng Minh,FLC...

Điều này tác động không chỉ làm giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng, mà danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng trong thời gian qua ghi nhận nhiều biến động.

Thống kê tại gần 20 ngân hàng thương mại, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận giảm 9% trong năm 2022. Trong đó, hơn một nửa nhà băng giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, tại Techcombank trong một năm qua lượng trái phiếu doanh nghiệp nhà băng này nắm giữ đã sụt giảm gần 21.800 tỷ đồng, từ 62.000 tỷ đồng (năm 2021) đến cuối năm 2022 lùi về hơn 41.000 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác như HDBank (giảm 5.900 tỷ đồng); VietinBank (giảm 5.299 tỷ đồng)… cũng giảm mạnh trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ.

Ngược lại, tại một số nhà băng danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng. Điển hình, tại MB trong năm 2022 nhà băng này đã tăng lượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp thêm 4.500 tỷ so với cuối năm 2021. Tính đến cuối năm 2022, MB đầu tư 46.870 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp, trở thành nhà băng đứng đầu (trong số 20 ngân hàng khảo sát) hệ thống về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ.

VPBank cũng là nhà băng đang "ôm" cả tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022. So với năm 2021, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà VPBank nắm giữ đã tăng hơn 5.000 tỷ đồng, từ 27.700 tỷ lên 32.800 tỷ đồng.

Tăng lượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022, TPBank cũng trở thành một trong 4 ngân hàng nắm tới gần 1 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2022, lượng trái phiếu doanh nghiệp của TPBank đang đứng ở mức 21.600 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

SHB cũng là cái tên đáng chú ý khi trái phiếu doanh nghiệp nhà băng này nắm giữ bất ngờ tăng vọt từ 6.097 tỷ đồng, lên 13.185 tỷ đồng (tương ứng tăng 116%).

Theo một số chuyên gia, do tác động ảnh hưởng của các vụ án như Tân Hoàng Minh, FLC nên các ngân hàng cũng cẩn trọng phát hành trái phiếu; đồng thời mua lại trái phiếu của nhiều doanh nghiệp.

Đơn cử như trước đó ngày 5/12, Chứng khoán Bảo Việt cũng thông báo đã mua lại toàn bộ trước hạn lô trái phiếu mã BVSH2123001 vào ngày 30/11/2022. Ngân hàng TPBank thông báo đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 3 năm.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cũng thông báo đã mua lại trước hạn 3 lô trái phiếu gồm VDSH2122011, VDSH2223002, VDSH2123001.

CTCP Chứng khoán Bản Việt mới đây vừa công bố kết quả mua lại 49,2 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, khối lượng trái phiếu còn lại sau khi mua lại là 70,7 tỷ đồng. Số trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm, ngày đáo hạn là 24/5/2023.

Cũng đầu tháng 12, CTCP Chứng khoán Kỹ thương cũng thông báo mua lại trước hạn hai lô trái phiếu trị giá hơn 133,670 tỷ đồng. Còn trái phiếu mã TCSCH2126002, công ty mua lại 181,224 tỷ đồng trái phiếu. Khối lượng trái phiếu còn lại sau khi mua lại là hơn 287.151 tỷ đồng. Được biết, số trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, phát hành ngày 16/6/2021 và ngày đáo hạn là 16/6/2026.

Ngân hàng An Bình mua lại trái phiếu trước hạn 500 tỷ đồng; VietinBank mua lại trọn lô trái phiếu trước hạn (có kỳ hạn tới 2027) trị giá 750 tỷ đồng; VietBank mua lại 343 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, phát hành năm 2020 và kỳ hạn đáo hạn 2027; VIB mua lại 250 tỷ đồng…

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng “soán” ngôi bất động sản về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức