Năm 2020 là hạn chót để các ngân hàng thương mại niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức, theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Dưới áp lực pháp lý, các ngân hàng nhỏ hơn đã bắt đầu niêm yết trên sàn UPCom (Ngân hàng Bản Việt, Nam A Bank) vào năm 2020, và các ngân hàng lớn hơn có kế hoạch niêm yết trực tiếp trên HOSE (OCB, MSB, SeABank) vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Tuy nhiên, điều thú vị là các ngân hàng không chịu áp lực pháp lý như SHB (vì đã niêm yết trên HNX) hoặc đăng ký giao dịch trên UPCom như LienVietPostBank, VIB cũng có kế hoạch chuyển sang HOSE trong quý 4/2020, bất chấp các điều kiện thị trường bất lợi do Covid-19.
Cụ thể, ngày 9/11, cổ phiếu của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (mã chứng khoán LPB) đã chính thức giao dịch tại HOSE.
Đến ngày 10/11, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán VIB) cũng chính thức giao dịch trên HOSE. Dự kiến, SHB cũng sẽ sớm chuyển sang HOSE trong năm nay.
Không có thách thức đáng kể nào khi niêm yết trên HOSE. Các ngân hàng không gặp khó khăn cụ thể nào khi chuyển niêm yết sang HOSE. Điểm khác biệt đáng kể nhất khi niêm yết trên sàn mới đó là việc công bố thông tin tại HOSE chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, sàn UPCom chỉ yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm, trong khi HNX và HOSE yêu cầu báo cáo tài chính quý.
Các công ty phân tích nhận định, nhu cầu hối thúc chuyển sàn như vậy một phần có thể do áp lực cạnh tranh, vì các ngân hàng cấp 2 khác có quy mô tương đương đang niêm yết thẳng trên HOSE. Ngoài ra, điều này có thể là do nhu cầu vốn, vì việc niêm yết trên HOSE có thể cải thiện cơ hội thu hút vốn trong tương lai với định giá tốt hơn.
Theo bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), niêm yết trên HOSE có thể mang lại nhiều lợi ích, trong đó có nhiều cơ hội tăng vốn hơn là lợi ích nổi bật nhất để các ngân hàng chuyển sàn.
Theo đó, tính minh bạch, cũng như độ tin cậy của thông tin doanh nghiệp công bố trên HOSE, nhìn chung được đánh giá cao hơn so với thông tin trên UPCom. Do đó, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE cũng được các nhà đầu tư đón nhận tốt hơn.
Hiện nay, một số quỹ không được phép đầu tư vào cổ phiếu UPCom, do đó việc chuyển sang HOSE sẽ khiến VIB và LPB có thể được các quỹ ngoại lớn tiếp cận. Tuy nhiên, trong trường hợp của VIB, lợi ích này có thể không đáng kể, do ngân hàng đã hết room ngoại.
Dựa trên những lợi ích kể trên, các nhà đầu tư đều kỳ vọng các cổ phiếu này sẽ được định giá lại. Việc bán cổ phiếu trong tương lai để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn có thể được thực hiện với mức giá tốt hơn.
Thực tế, giá cổ phiếu cả ba ngân hàng LPB, SHB và VIB đều tăng trưởng vượt thị trường kể từ đầu năm, tương ứng là 80%, 197% và 95% so với cùng kỳ năm trước, phần nào phản ánh quyết định chuyển sang của các ngân hàng.
Về mặt chất lượng của các ngân hàng chuyển sàn, SSI nhận định cả SHB, LPB và VIB là những ngân hàng cấp 2 nhanh nhạy về quy mô tài sản trong hệ thống ngân hàng, với thị phần từ 1,6% đến 3%.
Trong đó, VIB có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao nhất, chiếm khoảng 80% dư nợ cho vay, tiếp theo là LPB với khoảng 40% và SHB là 21%. Điều này phần nào giải thích cho xếp hạng NIM của những ngân hàng này, trong đó VIB có NIM lớn nhất đạt 4%, trong khi LPB là 3% và SHB là 2,4%.