Điều này không chỉ có khả năng biến nợ xấu này trở thành dễ mất vốn mà còn ảnh hưởng tới việc các tổ chức này sẽ rất khó mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất.
Nợ xấu gia tăng
Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 6/2022 là 6.694 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 4.668 tỷ, tăng 6,3%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Vietcombank giảm từ 0,64% hồi đầu năm xuống 0,61% vào cuối tháng 6/2022.
Đặc biệt, ngân hàng thiết lập kỷ lục mới về tỷ lệ bao phủ nợ xấu khi nâng từ 424% hồi đầu năm lên 506% vào cuối tháng 6. Cứ một đồng nợ xấu thì ngân hàng đã dự phòng tới 5 đồng. Đây cũng là tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành ngân hàng từ trước đến nay.
Báo cáo hợp nhất quý II/2022 của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của NCB tăng vọt từ 3,73% hồi đầu năm lên 11,05% vào cuối tháng 6/2022. Điều này có nghĩa là cứ 100 đồng nhà băng này cho vay khách hàng, thì có 11 đồng là nợ xấu. Như vậy, trong khi phần lớn các ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3% thì mức nợ xấu 11% của NCB là con số cao.
Còn tại Saigonbank, tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của nhà băng này đạt 24.804 tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt hơn 18.100 tỷ đồng, tăng đến 9,7% so với cùng kỳ, trong khi huy động vốn từ khách hàng tăng nhẹ 1,2% lên 18.326 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ xấu nội bảng của Saigonbank tăng 5,4% so với đầu năm lên hơn 343 tỷ đồng đến hết quý II/2022. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 149% lên mức 42,5 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng tới 558% lên mức 121,7 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm nhẹ 2,5% xuống còn 178,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngoài khoản nợ xấu nội bảng hơn 343 tỷ đồng, Saigonbank hiện đang sở hữu khoản nợ tới 632,5 tỷ đồng tại VAMC. Điều này khiến chi phí dự phòng cho khoản nợ xấu ngoại bảng này tăng từ 327 tỷ đồng hồi đầu năm lên 439 tỷ đồng cuối tháng sáu.
Ngoài ra, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm hoặc đi ngang nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng.
Đơn cử như TPBank, tổng nợ xấu tại thời điểm 30/6/2022 của ngân hàng này là 1.285,4 tỷ đồng, tăng 128,6 tỷ đồng (tương đương tăng 11,1%) so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm 20,4% xuống mức 406,2 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm 23,4% lên mức 430,5 tỷ đồng. Đáng chú ý nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng đến 50,8% lên mức 448,7 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TPBank tăng từ 0,82% hồi đầu năm lên mức 0,85%.
Tại Techcombank có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ thấp nhất. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý II của nhà băng này ở mức 0,6%, giảm so với mức 0,66% hồi đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 171,6%. Nhưng nợ nghi ngờ tăng hơn 4% và nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 200 tỷ đồng, tương ứng 27% so với đầu năm.
Tại ngân hàng VIB, đến cuối quý II, tỷ nợ xấu chiếm 1,74% tổng dư nợ, thấp hơn so với mức 1,75% đầu năm. Tương tự, dù nợ xấu giảm nhẹ nhưng nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn của VIB tăng. Tính đến thời điểm 30/6, nợ nghi ngờ của VIB tăng 32%, nợ có khả năng mất vốn tăng 67%. Nợ xấu tăng buộc ngân hàng này phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Mức trích lập đến thời điểm ngày 30/6 là 2.934 tỷ đồng, tăng 22,25% so với hồi đầu năm.
Hay tại ABBank, nợ xấu đến hết quý II chiếm tỷ lệ 2,3% trên tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 2,34% hồi đầu năm. Nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 20% so với thời điểm đầu năm và chiếm tới 58% tổng nợ xấu, tổng dư nợ tuyệt đối tăng 10,7%. Dù nợ xấu tăng lên, dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng lại giảm hơn 41%.
Tại LienVietPostBank, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng 11,2% và tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ mức 1,37% lên 1,4%. Riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 37,8%.
Cuối năm tỷ lệ nợ xấu sẽ gia tăng?
Theo Thông tư 16/2021/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trừ trường hợp mua trái phiếu doanh nghiệp theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Còn theo Thông tư 22/2019, ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu cũng như mua, nắm giữ cổ phiếu các ngân hàng khác.
Trước đó như MarketTimes đã đưa tin, hiện áp lực lớn về nợ xấu của các ngân hàng đang bị che giấu bởi quy định giãn, hoãn nợ. Nhưng từ nay đến cuối năm, đặc biệt từ tháng 6/2022, quy định này sẽ không còn, số nợ xấu tăng nhiều hơn.
Bởi theo Thông tư 14/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ cuối tháng 6 sẽ khiến vấn đề nợ xấu tại các ngân hàng nổi rõ hơn.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định nửa đầu năm nay, tình hình nợ xấu sẽ vẫn chưa có nhiều áp lực, ngân hàng vẫn được tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19.
Tuy nhiên, đến nửa cuối năm nay, các vấn đề về khung pháp lý có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho vấn đề xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng. Cụ thể, việc Thông tư 14/2021 về cơ cấu nợ hết hiệu lực, Nghị quyết 42 về xử lý không luật hóa sẽ gây tác động tiêu cực các cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu.
Như vậy, vấn đề nợ xấu có thể căng trở lại và thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam nửa cuối năm nay.