VietinBank và những 'bóng đen'

Theo Sở hữu trí tuệ 07:08 10/06/2020

Vụ án kinh tế Huyền Như có lẽ đã phần nào cho thấy chất lượng nhân sự và dịch vụ của ngân hàng Vietinbank nhiều ẩn khuất như thế nào.

Kể từ khi Huỳnh Thị Huyền Như bị bắt năm 2011 đến nay, ngành ngân hàng có thêm hàng loạt vụ án nghiêm trọng. Vụ án kinh tế Huyền Như có lẽ đã phần nào cho thấy chất lượng nhân sự và dịch vụ của ngân hàng Vietinbank nhiều ẩn khuất như thế nào.

Kỷ nguyên “bết bát”

--

Có thể nói, đây là một vụ án với số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt siêu lớn, liên lụy đến nhiều ngân hàng, thời gian xét xử kéo dài 3 tuần làm việc, khoảng 40 luật sư tham gia…, đại án 5.000 tỷ đồng và cái tên Huỳnh Thị Huyền Như sẽ còn được nhắc đến, phân tích, mổ xẻ ở nhiều góc độ.

Góc độ đáng chú ý nhất có lẽ những con số nghìn tỷ đồng được gửi vào, rút ra tại Vietinbank đã để lại dấu ấn đậm nét với những ai quan tâm đến vụ án này, cũng như chính giới ngân hàng.

Hàng loạt ngân hàng đã gửi tiền tại Vietinbank để rồi bị Huyền Như chiếm đoạt. Theo thông tin tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Huyền Như, Ngân hàng Hàng hải (MSB) thông qua 3 công ty là Công ty TNHH Đầu tư Phúc Vinh, CTCP Đầu tư Thịnh Phát và CTCP Thương mại và đầu tư Hưng Yên để gửi tiền. Số tiền lên tới 2.501 tỷ đồng và lãi suất từ 18 - 22%/năm.

Vào thời điểm vụ án xảy ra, năm 2011, Ngân hàng Nhà nước có quy định về trần lãi suất tiết kiệm, theo đó, lãi suất tiết kiệm các ngân hàng áp dụng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản (9%/năm). Khi đó, việc các ngân hàng tìm cách lách quy định này bằng các chương trình khuyến mãi, lãi suất thưởng khá phổ biến. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước đã phải ban hành thông tư quy định lãi suất huy động bao gồm cả khuyến mãi không vượt quá 14%/năm. Đồng thời, nghiêm cấm việc thực hiện khuyến mại bằng tiền, lãi suất và các hình thức không đúng quy định khác.

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng khó khăn trong huy động nhưng cũng có ngân hàng đang thừa tiền, không ít ngân hàng đã lựa chọn việc gửi vốn vào ngân hàng bạn, tranh thủ chương trình khuyến mãi, lãi suất thưởng để thu lợi nhuận. Đây là căn nguyên dẫn đến việc hàng nghìn tỷ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt thông qua “mồi câu” là lãi suất cao.

Không chỉ có MSB, nhiều ngân hàng khác cũng đã gửi trứng cho ác. Ngân hàng ACB vào thời điểm đó đang phải chịu áp lực khi nguồn vốn dư thừa nhưng không cho vay ra được. ACB đã lựa chọn phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi vào ngân hàng khác để nhận lãi suất tiền gửi và hưởng thêm hoa hồng, khuyến mại.

Cũng theo tài liệu tại phiên tòa, ACB đã gửi gần 719 tỷ đồng vào Vietinbank, hưởng lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng từ 3,8 - 4,5%/năm, nhưng rồi bị Huyền Như bị chiếm đoạt.

Không chỉ gửi tiền vào Vietinbank, trong giai đoạn từ 26/1/2011 đến 26/9/2011, ACB qua ủy thác đã gửi vào 22 ngân hàng số tiền hơn 28.379 tỷ đồng, với lãi suất từ 7,5 - 22%/năm. Tổng tiền lãi là 1.162,5 tỷ đồng, trong đó lãi vượt trần 243,6 tỷ đồng. ACB cũng đã gửi 71,2 triệu USD với lãi suất 3 - 6%/năm, thu được tiền lãi hơn 1,2 triệu USD.

Ngân hàng Tiên phong (TPBank) đã thông qua CTCK Phương Đông và CTCP Đầu tư An Lộc gửi vào Vietinbank TP. HCM 1.860 tỷ đồng, lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng từ 5 - 5,5%/năm, nhưng chỉ quyết toán được 1.310 tỷ đồng, bị chiếm đoạt 550,3 tỷ đồng.

Ngân hàng Nam Việt (Navibank, nay là Ngân hàng Quốc dân) đã mang 1.543 tỷ đồng đi gửi với lãi suất 16,5 - 22,5%/năm, nhưng chỉ quyết toán được 1.343 tỷ đồng, bị chiếm đoạt 200 tỷ đồng.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng tham gia cuộc săn tìm lãi suất thưởng, gửi vào Vietinbank 480 tỷ đồng, bị chiếm đoạt 180 tỷ đồng.

Với vụ việc như kể trên, phải chăng nên "cảm thông” cho lãnh đạo ngân hàng và đội ngũ kiểm soát của Vietinbank là do quá nhiều việc nên để xảy ra lỗi lớn, không kiểm soát được nhân viên?

Nợ xấu “phồng to” và tăng lên mức kỷ lục

Liên tiếp trong 6 quý của năm 2018 - 2019 và 2 quý gần đây, các Báo cáo tài chính mà VietinBank công bố cho thấy nợ xấu liên tục duy trì mức tăng chóng mặt lên tới hàng nghìn tỉ đồng chỉ sau một quý.

Cụ thể theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I và quý II/2018 được VietinBank công bố trên website www.vietinbank.vn, tổng nợ xấu của Ngân hàng này tăng mạnh từ 9.011 tỉ đồng thời điểm cuối năm 2017 lên 10.295,5 tỉ đồng vào cuối quý I/2018 và tiếp tục leo thang lên đỉnh mới 11.227,7 tỉ đồng vào thời điểm ngày 30/6/2018.

Nợ xấu của VietinBank ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý III và quý IV/2018 tiếp tục tăng lên 12.127,1 tỉ đồng và chạm mốc 13.517,5 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm 2018. Như vậy, chỉ trong vòng vỏn vẹn một năm, tổng số nợ xấu của Vietinbank tăng thêm tới hơn 4.506,5 tỉ đồng và tương đương mức tăng tới trên 50% so với thời điểm đầu năm.

Bước sang năm 2019, tổng số dư nợ xấu của VietinBank thực sự phồng to và tăng lên mức kỷ lục 15.962,2 tỉ đồng trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 mà Ngân hàng này công bố. Dù có mức giảm nhẹ trong các tháng sau, con số nợ xấu mà VietinBank công bố tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 lại tiếp tục tăng thêm hơn 1.056,3 tỉ đồng so với thời điểm giữa năm 2019.

Điều đáng lo ngại là nhóm nợ “xấu nhất” của VietinBank được Ngân hàng Nhà nước phân loại là nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn luôn chiếm con số lớn nhất và lấn át hai nhóm nợ còn lại có rủi ro thấp hơn là nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Thực tế tại thời điểm ngày 31/3/2019, nợ có khả năng mất vốn ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 của VietinBank tăng lên tới hơn 10.488 tỉ đồng và chiếm tới 65,7% tổng số nợ xấu tại ngân hàng (15.962,2 tỉ đồng).

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của VietinBank giai đoạn 2016 - 2020, cũng là năm cuối thực hiện kế hoạch kinh doanh trung hạn giai đoạn 2018 - 2020. VietinBank đặt kế hoạch năm 2020 quy mô tổng tài sản tăng trưởng khoảng 6%-8%; tín dụng tăng trưởng khoảng 8%-10%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%...

Được biết, Chính phủ đã có chủ trương cho VietinBank giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 và 2018 để tăng vốn điều lệ, tuy nhiên để triển khai đề án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu có hiệu quả, nâng cao năng lực tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu VietinBank cần đánh giá lại quá trình tăng trưởng năm 2019, 2020 để làm việc tiếp với cơ quan chức năng xây dựng lộ trình tăng vốn tiếp theo.

Từng phát biểu tại hội nghị tổng kết của VietinBank, Thống đốc Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm của VietinBank thời gian tới, đó là Ngân hàng cần có lộ trình biện pháp mạnh để trong thời gian sớm nhất xử lý triệt để nợ xấu, đây phải được coi là nội dung ưu tiên của Hội đồng quản trị trong quá trình tái cơ cấu lại VietinBank...

Nhiều chuyên gia đồng thuận với nhận định này, đồng thời nhấn mạnh đến việc VietinBank cần tập trung triển khai quyết liệt có kết quả các mục tiêu, giải pháp quản lý tốt tài sản, kiểm soát các khoản tài chính rủi ro, tích cực thoái vốn để nâng cao chất lượng hoạt động đẩy tiến trình xử lý nợ xấu.

Còn tiếp...

Theo Đầu tư Việt Nam/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://dautuvietnam.com.vn/dau-tu/tai-chinh-ngan-hang/vietinbank-va-nhung-bong-den-a8685.html

Bạn đang đọc bài viết VietinBank và những 'bóng đen' tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã công bố một biểu lãi suất mới thay cho biểu lãi suất đầu tháng trước. Điều chỉnh giảm khá mạnh lãi suất huy động tại hầu hết các kì hạn.