Theo BCTC hợp nhất quý III/2020 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB), thu nhập lãi thuần 838,6 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 102,7 tỷ đồng, tăng 13%. Lãi thuần từ hoạt động ngoại hối cũng tăng 46%, lên 113 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư và lãi thuần từ hoạt động khác lần lượt giảm 88% và 71%, xuống 7 tỷ đồng và 29,2 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí hoạt động, ngân hàng lãi trước trích lập 598,6 tỷ đồng, tăng 23%. Dự phòng rủi rò giảm 67%, giúp lợi nhuận trước thuế cao hơn 62% so với quý III/2019, đạt 551,8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, Eximbank lãi trước thuế 1.103,6 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, do chi phí dự phòng tăng 1,7 lần. Ngân hàng thực hiện 50% kế hoạch trình cổ đông.
Tổng tài sản đến cuối tháng 9 ở mức 151.273 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Tiền, vàng gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm 16%, xuống 21.644 tỷ đồng, trong khi chứng khoán đầu tư tăng 22%, lên 17.758 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng giảm 10% xuống 101.301 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 2.490 tỷ đồng, tăng 29%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,7% lên 2,4%. Nợ nhóm 5 gấp đôi đầu năm, lên 1.620 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 2,8 lần dù nợ nhóm 3 giảm 67%, xuống 321 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng cũng giảm 8% xuống 127.844 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.356 tỷ đồng, bên cạnh quỹ tổ chức tín dụng 1.815 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần hơn 156 tỷ đồng.
Vài năm trở lại đây, Eximbank phải đối mặt với bất ổn lớn khi liên tiếp có sự thay đổi lãnh đạo cấp cao, gắn liền với "cuộc chiến vương quyền" ở ngân hàng này.
Ngay trong tháng 6 năm nay, ông Cao Xuân Ninh đã phải từ chức chủ tịch ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông. Sau đó, 2 lần đại hội đồng cổ đông liên tiếp đều không thể diễn ra do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự, đến lần thứ 3 thì bị hoãn do dịch COVID-19.
Mặc dù phải sống chung với bất ổn nhưng mục tiêu kinh doanh mà ban điều hành của ngân hàng này đưa ra cho năm nay là khá tham vọng, trong đó tiêu biểu là mục tiêu kép: vừa đạt lợi nhuận trước thuế 1.318 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2019), vừa mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC (thậm chí đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2%).
3/4 quãng đường của năm 2020 đã đi qua, kết quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính cho thấy ngân hàng này khó lòng thực hiện được mục tiêu kép trên.
Theo Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam, nguồn lực dự phòng của Eximbank đang rất mỏng. Dự phòng cho vay khách hàng của ngân hàng này mới chỉ đạt 1.238 tỷ đồng tính đến hết tháng 9/2020, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (cả nợ xấu nội bảng và giá trị trái phiếu chưa dự phòng tại VAMC) theo đó chỉ vỏn vẹn 28%, nghĩa là 1 đồng nợ xấu chỉ được "bao bọc" bởi 0,28 đồng dự phòng.
Tỷ lệ này ở đa số các ngân hàng đều trên 50%, mức trung bình cũng khoảng trên 70%, thậm chí như trường hợp của Vietcombank lên đến 251%.
Với nguồn dự phòng mỏng như vậy, khó lòng Eximbank có thể mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC trong 3 tháng còn lại của năm nay, đồng thời đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, mà vẫn hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận. Còn tham vọng đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2% có thể coi là bất khả thi.
Ước tính cho thấy, để tất toán hết nợ xấu tại VAMC trong năm 2020 và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Eximbank sẽ phải giảm ròng được khoảng 1.000 - 1.300 tỷ đồng tùy theo quy mô dư nợ cho vay. Quy mô nợ xấu cần giảm ròng này thậm chí còn cỡ ngang ngửa tổng dự phòng cho vay khách hàng của Eximbank.
Trong khi đó, nếu đẩy mạnh trích lập dự phòng để tạo nguồn xử lý nợ xấu, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng lớn.