Thế nhưng chi phí dự phòng của nhà băng giảm hơn 38% xuống mức gần 174 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính, ABBank có nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 13% so với hồi đầu năm lên mức 307,7 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 23,1% lên mức 443,3 tỷ đồng; Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 31,5% lên mức 1.038,8 tỷ đồng, chiếm hơn 58% tổng nợ xấu.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ABBank lại giảm mạnh chỉ còn 174 tỷ đồng, giảm 38% so với hồi đầu năm, giảm 12,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên trong phần thuyết minh của báo cáo tài chính, ABBank không thể hiện nguyên nhân mà nhà băng này lại giảm chi phí dự phòng.
Trong quý 2/2022, hầu hết hoạt động kinh doanh của ABBank đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Hoạt động chính là thu nhập lãi thuần đem về cho ABBank gần 976 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, chủ yếu là tăng thu nhập lãi cho vay khách hàng.
Các nguồn thu ngoài lãi lại có kết quả không đồng nhất. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 3% đạt 87 tỷ đồng và lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 48% đạt 486 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh báo lỗ 7,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 38,3 tỷ đồng; Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 11 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hoạt động khác đem về khoản lãi gấp 2.5 lần cùng kỳ, ghi nhận gần 217 tỷ đồng.
Đồng thời, nhờ giảm chi phí 13% xuống còn 174 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng kết quả nên ABBank báo lãi trước thuế hơn 1.086 tỷ đồng, tăng 52% so cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ABBank dành hơn 218 tỷ đồng để trích dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 32%, do đó lãi trước thuế tăng 39% so với cùng kỳ, lên mức gần 1.662 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của ABBank tăng 9% so với đầu năm, lên mức 131.321 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 71% xuống còn gần 1.260 tỷ đồng; Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 54% lên mức 26.160 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tăng 13% lên mức 77,706 tỷ đồng,…
Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng của ABBank tăng 9% so với đầu năm, lên mức 73.707 tỷ đồng; Phát sinh khoản mục các công cụ tài chính phái sinh và các khoản nợ tài chính phái sinh 23,4 tỷ đồng,…
Ngân hàng TMCP An Bình có tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn An Bình được thành lập vào năm 1993. Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực huy động, cấp tín dụng và các dịch vụ tài chính liên quan. Đến tháng 12/2020, ABBank được giao dịch trên thị trường UPCOM với mã ABB.
Hiện ông Đào Mạnh Kháng (sinh năm 1969) đang là Chủ tịch HĐQT của ABBank, sở hữu hơn 7,5 triệu cổ phiếu ABB. Ngoài ra, nhiều người thân trong gia đình của đại gia quê Thái Bình này cũng đang sỡ hữu cổ phiếu ABB.
Cụ thể, ông Vũ Văn Tiền (anh vợ) hơn 3,4 triệu cổ phiếu ABB, ông Vũ Văn Hậu (anh vợ) hơn 18,4 triệu cổ phiếu ABB, ông Đào Xuân Trang (anh trai) 62.359 cổ phiếu ABB, bà Vũ Thị Là (chị dâu) 72.504 cổ phiếu ABB.
Ngoài ra, vợ ông Kháng là bà Vũ Thị Thu Hương đang sỡ hữu hơn 1,4 triệu cổ phiếu ANBINHSEC (Công ty CP Chứng khoán An Bình).