Báo lỗ nghìn tỷ nửa đầu năm, FLC được thành viên HĐQT cho vay tín chấp 621 tỷ

Theo Doanh nhân Việt Nam 09:14 02/08/2022

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của FLC ở mức âm 1.105,6 tỷ đồng.

'Sếp lớn' cho FLC vay vay không cần tài sản đảm bảo hơn 621 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn FLC vừa công bố cho thấy những thay đổi đáng kể về cấu trúc vay nợ, nhất là sự xuất hiện của những khoản vay tín chấp từ cá nhân và doanh nghiệp khác.

Cụ thể, quy mô nợ vay ngắn và dài hạn của FLC tính tới cuối quý II là hơn 5.100 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay dài hạn giảm từ 4.169 tỷ xuống 2.450 tỷ đồng, còn vay ngắn hạn tăng thêm hơn 600 tỷ đồng lên 2.676 tỷ đồng.

Ở khoản vay dài hạn, FLC và các công ty thành viên đã tất toán xong khoản nợ hơn 1.800 tỷ đồng với Sacombank. Chủ nợ lớn nhất với FLC tới cuối quý II là BIDV chi nhánh Quy Nhơn với dư nợ hơn 1.100 tỷ đồng.

Cùng với việc trả xong những khoản nợ dài hạn này là bảng cân đối của FLC có thêm những khoản vay ngắn hạn theo hình thức tín chấp từ những chủ nợ mới.

Trong đó, ông Lê Thái Sâm cho FLC vay tín chấp 621 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Bốn hợp đồng vay có thời hạn 12 tháng, lãi suất 7% mỗi năm, được thực hiện rải rác từ tháng 4 đến tháng 6/2022.

Ông Sâm là một trong ba thành viên hội đồng quản trị mới của tập đoàn này được bầu tại phiên họp bất thường đầu tháng 7. Bản lý lịch trích ngang của vị này không có nhiều thông tin, chỉ được FLC giới thiệu "là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam" và "có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn".

Ngoài ra, FLC còn nhận khoản vay tín chấp khác với quy mô hơn 180 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Tập đoàn Homeliday - tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản BHS (BHS Invest), là thành viên thuộc BHS Group. Tập đoàn được thành lập giữa năm 2019 này hoạt động trong mảng tư vấn phát triển bất động sản và quản lý bán hàng, được dẫn dắt bởi những lãnh đạo cũ của Công ty Bất động sản Thế Kỷ (CEN Land).

Theo đăng ký kinh doanh của Homeliday, bốn lãnh đạo của BHS Group cũng là bốn cổ đông của doanh nghiệp này, trong đó cổ đông lớn nhất là cựu CEO CEN Land Nguyễn Thọ Tuyển.

Kết thúc quý II, FLC ghi nhận doanh thu thuần đạt 576,1 tỷ đồng, giảm 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với giá vốn hàng bán chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ, FLC báo lãi gộp 104 tỷ đồng, trong khi quý II/2021 báo lỗ gần 149 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của FLC đạt 65,5 tỷ đồng, giảm 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính ở mức 148,6 tỷ đồng, giảm 24,3% so với quý II/2021. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FLC cũng tăng lần lượt 39,7% và 65,3% so với cùng kỳ năm trước, lên 46 tỷ đồng và 295 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý II/2022, FLC còn phải chịu khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết lên tới 317,3 tỷ đồng.

Trong đó, khoản lỗ lũy kế từ Bamboo Airways - công ty được hạch toán là công ty liên kết của FLC - đã lên tới 955 tỷ đồng so với mức chỉ hơn 453 tỷ đồng hồi đầu năm. Cụ thể, khoản đầu tư của FLC Bamboo Airways ghi nhận giá gốc 4.015 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 21,7% vốn cổ phần và giá trị hợp lý tại ngày 30/6/2022 chỉ còn 3.060 tỷ đồng.

Ngoài ra, FLC còn phải trích lập dự phòng 134,4 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào các mã cổ phiếu AMD, HAI và KLF (giá gốc là 174,1 tỷ đồng trong khi giá trị hợp lý hiện chỉ còn 39,7 tỷ đồng).

Kết thúc quý II/2022, FLC báo lỗ sau thuế 640,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 20,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của FLC ở mức âm 1.105,6 tỷ đồng.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/bao-lo-nghin-ty-nua-dau-nam-flc-duoc-thanh-vien-hdqt-cho-vay-tin-chap-621-ty.html

Bạn đang đọc bài viết Báo lỗ nghìn tỷ nửa đầu năm, FLC được thành viên HĐQT cho vay tín chấp 621 tỷ tại chuyên mục Báo cáo tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Báo cáo tài chính