Đất nền nguội lạnh, nợ xấu bất động sản tăng lên
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến thị trường bất động sản trầm lắng. Bắc Ninh, Bắc Giang - hai thị trường nổi lên với các cơn sốt đất nền đã đóng băng, bất động sản bị đình trệ. Thông tin thành phố Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc T.Ư khiến làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp, giá đất tăng lên từng ngày thì nay thị trường vắng lặng như tờ.
Tại thành phố Bắc Giang và các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) trước đây đất đấu giá được tranh nhau mua với niềm tin chỉ cần xuống cọc sẽ có khách để “sang tay”, dù sau đó, ghi nhận nhiều hiện tượng khách hàng bỏ cọc khá nhiều. Ở thời điểm hiện tại, là tâm điểm của dịch bệnh, thị trường bất động sản Bắc Giang đóng băng hoàn toàn.
Đất nền ven Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức… đã nguội lạnh. Trước đây ăn theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đất tại Xuân Canh thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội) từng bị đẩy lên mức 51 - 69 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm cuối năm 2020 giá chỉ trên dưới 30 triệu đồng/m2. Hiện những khu vực giá ảo trên không có giao dịch.
Các khu vực ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) dọc Quốc lộ 32 hay Đại lộ Thăng Long giá giảm 20 - 30% nhưng theo các môi giới bất động sản là gần như không có giao dịch. Việc tái bùng phát dịch bệnh diễn ra trong bối cảnh sốt đất đã “nguội” khiến thị trường bất động sản trở nên khó đoán định.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2020, tín dụng bất động sản vẫn trong xu hướng tăng, trong đó dư nợ đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng tới 21%, đạt 633.740 tỷ đồng. Dòng tiền vẫn chảy vào thị trường bất động sản và ít có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư khác. Doanh nghiệp bất động sản vẫn hút vốn tín dụng.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp kéo dài khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất gửi tiết kiệm lại giảm nên kinh doanh bất động sản trở thành một trong những kênh đầu tư thu hút vốn và khi dư nợ tăng thì nợ xấu cũng tăng theo.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 1,85% tổng dư nợ lĩnh vực này. Con số này tuy thấp hơn đáng kể so với năm 2017 (2,48%) và năm 2018 (1,95%) nhưng cao hơn so với năm 2019 (1,58%).
Cung cầu lệch pha, thị trường khan nguồn hàng
Theo Bộ Xây dựng, căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn hay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít, hầu như chỉ có ở các khu vực xa trung tâm. Trên thực tế, các dự án dạng này trước đây có mức giá khoảng trên dưới 20 triệu/m2 thì đã tăng lên khoảng trên dưới 25 triệu đồng/m2.
Trong khi nhu cầu cao nhất thị trường là phân khúc nhà giá rẻ thì đây lại là mặt hàng hiếm trên thị trường nhiều năm nay và có xu hướng tăng giá, hình thành mặt bằng giá mới.
Tại Hà Nội, đa số dự án chung cư mới được đầu tư xây dựng thuộc phân khúc trung cấp và có giá bán giao động từ 30 triệu đồng/m2 đến trên 40 triệu đồng/m2, tập trung nhiều tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Gia Lâm… TP.HCM chung cư phân khúc trung cấp có giá cao hơn tại thị trường Hà Nội giao động ở mức từ 35-45 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, trong hoàn cảnh Việt Nam có dịch bệnh, giá bất động sản có khả năng vẫn tăng. Áp lực tăng giá từ nhiều nguyên nhân như giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá đất tăng, thuế đất cũng tăng, lãi vay ngân hàng cũng rất cao… không tăng giá bán thì có thể chủ đầu tư sẽ lỗ.
“Nguồn cung sản phẩm bất động sản (cung chính thống) hiện tiếp tục khan hiếm, đặc biệt là các thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Việc phê duyệt cho các dự án hiện chưa được cải thiện nhiều. Cung hiếm thì hàng sẽ bị đẩy giá lên” - ông Đính nói.
Bất động sản sẽ chỉ tăng ở các phân khúc đất nền, căn hộ chung cư còn bất động sản cho thuê, mở cửa hàng… thì đều không hiệu quả, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ còn tiếp tục khó khăn. Trong 6 tháng cuối năm, nếu chống dịch ổn định được thì bất động sản mới có thể phục hồi, thị trường mới có giao dịch thực chất, ông Đính phân tích thêm./.