Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 sau soát xét với lợi nhuận trước và sau thuế đạt hơn 200,9 tỷ đồng và gần 159,6 tỷ đồng, giảm khoảng 54% so cùng kỳ 2019.

Lý giải cho tình trạng này, đại diện Nam Á Bank cho rằng dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng nhà băng, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 527%, lên hơn 276,6 tỷ đồng, là những nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận ngân hàng suy giảm.

Trong khi lợi nhuận lao dốc thì nợ xấu của của Nam Á Bank lại tăng vọt. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý II, Nam A Bank ghi nhận nợ nghi ngờ (nhóm 4) mức 1.535 tỷ đồng, trong khi nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) là 185,3 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là hơn 538,9 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tăng mạnh lên hơn 2.258 tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng lên mức 2,93%.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, cổ đông đã thông qua mức chia cổ tức 14,65% bằng cổ phiếu nhằm mục tiêu hỗ trợ cho kế hoạch tăng vốn điều lệ của Nam Á Bank.

Theo lãnh đạo Nam Á Bank, trong quá trình tái cơ cấu và định hướng chung của cơ quan quản lý, tất cả nhà băng phải tập trung nguồn lực tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính. Vì vậy, ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thay vì tiền mặt. Ngoài ra, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu còn nhằm mục đích tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng COVID-19, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Nam Á Bank đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.000 tỷ đồng trong 2020, tăng 75 tỷ so với năm 2019. Tuy nhiên mục tiêu này khó đạt được do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nợ xấu ngân hàng Nam Á tăng? tại chuyên mục Báo cáo tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Báo cáo tài chính