Từ ngày 1/7, chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương khóa XII chính thức có hiệu lực. Chính sách này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong khu vực công và 50 triệu người đang hưởng các chính sách liên quan đến mức lương cơ sở.
Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng này. Theo Nghị định quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng, mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 2.340.000 đồng/tháng, tăng trung bình 30% so với trước đây.
Nghị định quy định về mức lương tối thiểu cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đưa ra mức lương tối thiểu tháng và giờ cho các vùng khác nhau. Cụ thể: Vùng 1 là 4.960.000 đồng/tháng và 23.000 đồng/giờ; Vùng 2 là 4.410.000 đồng/tháng và 21.000 đồng/giờ; Vùng 3 là 3.860.000 đồng/tháng và 18.600 đồng/giờ; và Vùng 4 là 3.450.000 đồng/tháng và 16.600 đồng/giờ. Mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng trung bình 6%.
Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng cũng tăng bình quân 15%.
Trong bối cảnh hiện nay, khi chưa thể bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, phương án tăng lương lần này được coi là tối ưu, mang lại tác động tích cực cho nhiều nhóm đối tượng trong xã hội. Mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, với mức tăng trung bình 30%, là mức tăng lớn nhất từ trước đến nay và được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức đón nhận phấn khởi.
Chị Đỗ Thị Mai Hương, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: "Bản thân tôi rất vui mừng với mức lương cơ sở tăng 30% sắp tới đây, đó là một nỗ lực lớn của Chính phủ, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình chúng tôi."
Ông Phạm Hoài Minh Tân, Bí thư Đảng ủy phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Chế độ cải cách tiền lương ngày càng bám sát tinh thần Nghị quyết của Trung ương Đảng, giúp đội ngũ cán bộ, công chức sống được bằng chính thu nhập của mình."
Đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phấn khởi với việc tăng lương, cho rằng điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chia sẻ với khó khăn của người lao động hiện nay. Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trường Mầm non Hoàng Anh, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Mọi người rất phấn khởi và hồi hộp chờ đợi. Với mức lương sắp tới, tôi nghĩ cuộc sống của gia đình tôi và đồng nghiệp sẽ được đảm bảo hơn."
Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn về nguồn lực, với sự nỗ lực từ Trung ương đến địa phương, nguồn ngân sách cho cải cách chính sách tiền lương đã được bố trí, đảm bảo tính khả thi. Điều này thể hiện nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27 của Trung ương.
Theo Bộ Tài chính, nguồn kinh phí dành cho tăng lương từ nay đến năm 2026 là 913,3 nghìn tỷ đồng. Đây là một nguồn kinh phí tăng thêm rất lớn, và Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tích lũy tạo nguồn cải cách tiền lương.
Một điểm mới trong chính sách tiền lương lần này là Chính phủ yêu cầu dùng 10% tổng quỹ lương dành cho khen thưởng. Ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: "Kỳ này, việc dành 10% quỹ tiền lương cơ bản để thực hiện quỹ tiền thưởng là một điểm mới, tạo ra cơ sở để thưởng thêm cho đội ngũ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ."
Việc thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đã được thống nhất theo lộ trình, từng bước hợp lý, thận trọng, và chắc chắn, bảo đảm tính khả thi để mọi đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đều được tăng lương một cách công bằng và ổn định.
Phương Chi T.H