Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA đánh giá, Luật các TCTD đóng vai trò hết sức quan trọng cho hoạt động của hệ thống các TCTD, đặt biệt là việc sửa đổi Luật các TCTD năm 2017 đã bổ sung những quy định xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, bổ sung các quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành của TCTD, cảnh báo, can thiệp sớm nhằm hạn chế rủi ro, vi phạm trong hoạt động của các TCTD, làm rõ quy định người có liên quan, bổ sung quy định về trường hợp không được/không cùng đảm nhiệm chức vụ…; cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, thi hành, triển khai Luật các TCTD được ban hành đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, ổn định, cho hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay các Luật liên quan được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung và cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của công nghệ, Luật các TCTD đã phát sinh một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa phù hợp.
Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD hội viên tích cực tham gia tổng kết Luật các TCTD năm 2010, tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH 14 và góp ý đối với dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) |
Theo chia sẻ của ông Hùng, thời gian qua, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng dự án Luật các TCTD (sửa đổi) để trình Chính phủ. Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD hội viên cũng đã tích cực tham gia tổng kết Luật các TCTD năm 2010, tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH 14 và góp ý đối với dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi).
Tại Tọa đàm, các đại biểu đánh giá qua hơn 12 năm thực hiện, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật các TCTD đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Luật đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của các TCTD, quy định cụ thể phạm vi hoạt động của từng loại hình TCTD, trong đó có hoạt động của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật các TCTD đã tồn tại một số hạn chế, cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Vấn đề được các TCTD quan tâm nhất liên quan đến TSBĐ của các khoản nợ xấu. Theo quy định hiện hành (Điều 132 Luật TCTD 2010) thì các TCTD được quyền nắm giữ BĐS do việc xử lý nợ vay, thời hạn nắm giữ là 03 năm.
Tuy nhiên, đại diện BIDV cho rằng, quá trình thực hiện quy định trên đây có khó khăn, vướng mắc. Một là, chưa làm rõ được về thời điểm “nắm giữ bất động sản” là thời điểm TCTD nhận bàn giao tài sản từ khách hàng/bên bảo đảm/bên thứ ba/cơ quan có thẩm quyền hay kể từ thời điểm TCTD ra quyết định xử lý.
Hai là, nắm giữ bất động theo tinh thần của điều Luật có thể được hiểu trong trường hợp này TCTD đã nắm giữ bất động sản (như nhận bàn giao/thu giữ bất động sản từ khách hàng/bên bảo đảm/bên thứ ba/cơ quan có thẩm quyền để xử lý thu hồi nợ nhưng chưa thực hiện chuyển quyền sở hữu sang tên cho ngân hàng). Trong khi trên thực tế, kể từ thời điểm ngân hàng thu giữ/nhận bàn giao tài sản bảo đảm (hoặc tài sản không phải là TSBĐ do khách hàng/bên thứ ba/cơ quan thi hành án bàn giao để TCTD tự xử lý) cho đến khi xử lý xong thường kéo dài. Chưa kể nhiều trường hợp sau đó phát sinh tranh chấp khiến việc xử lý bất động sản không thực hiện được. Do vậy việc quy định TCTD chỉ nắm giữ bất động sản để xử lý trong thời hạn 03 năm là chưa khả thi.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy TCTD nắm giữ bất động sản trong trường hợp này cũng khó thực hiện được việc kinh doanh bất động sản do về pháp lý bất động sản chưa được chuyển quyền sở hữu cho TCTD nên TCTD chưa có đầy đủ quyền sở hữu để kinh doanh, khai thác.
Mặt khác, kể cả một số trường hợp thực hiện được việc khai thác, sử dụng tài sản trong thời gian chờ xử lý thì cũng là với mục đích chủ yếu để thu hồi, tận thu nợ đối với khách hàng mà không phải là với mục đích kinh doanh bất động sản (theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ).
Ảnh minh họa |
Liên quan đến quy định xét duyệt cấp tín dụng đối với các khoản cho vay tiêu dùng (Khoản 2 Điều 92 Dự thảo), bà Tôn Thị Hải Yến, Phó tổng giám đốc Công ty tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) cho biết, đặc điểm các khoản cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính là các khoản vay nhỏ và quy trình vay nhanh gọn nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách trong cuộc sống của khách hàng.
Cũng theo bà Yến, nhiều đối tượng khách hàng như sinh viên, người lao động tự do khó có khả năng chứng minh tài chính nên việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp tài liệu và dữ liệu chứng minh khả năng tài chính sẽ kéo dài thời gian tiếp cận vốn của khách hàng, dẫn đến khả năng phải tìm tới nguồn vay từ các kênh không chính thống (tín dụng đen), đi ngược với chủ trương ngành ngân hàng góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, phát triển tín dụng khu vực nông thôn.
Vì vậy, EVNFinance đề xuất Ban soạn thảo xem xét quy định đối với các khoản cho vay tiêu dùng có giá trị nhỏ của Công ty tài chính chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về khả năng tài chính của khách hàng thay vì cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính.
Ngoài các vướng mắc trên tại Tọa đàm các diễn giả đề cập tới một số vướng mắc về các quy định liên quan đến hoạt động và hạn chế bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD (xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; về nghiệp vụ đại lý; hoạt động ngân hàng điện tử; về nắm giữ bất động sản…); Vướng mắc các quy định liên quan tổ chức quản trị, điều hành của TCTD (người đại diện theo pháp luật; về HĐQT, HĐTV; về thành viên HĐQT độc lập; về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu của cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn; hoạt động L/C…)
Việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD, theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động của các TCTD phát triển an toàn, bền vững thông qua việc lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD, nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD.
Sửa Luật các TCTD cũng tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD, đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH 14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, việc Luật hóa các chính sách xử lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng, qua đó, tạo được khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của TCTD một cách đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng ổn định, lâu dài.