Sau khi ông Donald Trump tái đắc cử, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng eurozone năm 2025 từ 1,1% xuống còn 0,8%. GDP 2026 của khu vực 20 quốc gia đồng tiền chung euro này cũng được điều chỉnh còn 1%, thay vì mức 1,1% trước đó.
"Phần lớn lực cản tăng trưởng sẽ đến từ sự không chắc chắn về chính sách thương mại", báo cáo của Goldman Sachs nhận định. Theo nhà băng này, mức độ tăng thuế có thể ít rủi ro bằng sự bất ổn do những lời đe dọa của ông Trump.
Đầu tàu kinh tế Đức được khả năng chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm tới vì căng thẳng thương mại, so với mức dự báo trước đó là 0,9%. Goldman Sachs cũng giảm dự báo tăng trưởng của Anh vào năm 2025 từ 1,6% xuống còn 1,4%.
Cùng động thái, Ngân hàng Berenberg (Đức) hạ dự báo tăng trưởng eurozone năm sau 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 1%. "Với doanh nghiệp châu Âu, Trump trở lại Nhà Trắng đồng nghĩa với rủi ro chính sách thương mại đáng kể và bất ổn địa chính trị", Holger Schmieding, Kinh tế trưởng Berenberg nhận định.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế châu Âu dễ bị tổn thương trước chính sách bảo hộ của Trump, với lời hứa sẽ áp thuế tất cả hàng nhập khẩu từ 10% đến 20%. Quan hệ thương mại Mỹ - EU là lớn nhất thế giới, đạt 1.300 tỷ USD năm ngoái. Tạp chí Conversation cho rằng, chính sách này ảnh hưởng đến EU trực tiếp lẫn gián tiếp.
Tác động trực tiếp sẽ là mức thuế cao hơn đối với hàng xuất khẩu của châu Âu từ sắt thép, ôtô đến pho mát và rượu vang. Máy móc, phương tiện và hóa chất – những lĩnh vực chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ vào năm 2023 – sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đức, Hà Lan, Ireland và Bỉ chịu tác động hàng đầu nếu thương mại song phương sụt giảm.
Ôtô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Đức vào Mỹ. Giá cổ phiếu Volkswagen đã giảm mạnh hôm 6/11 trước khi phục hồi. Dù Mỹ chỉ chiếm dưới 10% doanh số của tập đoàn, Volkswagen nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt là xe điện.
Ngay cả khi thuế quan không nhắm trực tiếp vào hàng hóa châu Âu, doanh nghiệp khối này vẫn có thể thiệt hại nếu Mỹ áp trừng phạt các sản phẩm sử dụng linh kiện hoặc công nghệ Trung Quốc, hoặc áp lực buộc châu Âu tách rời nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với quan hệ thương mại song phương 758 tỷ USD năm ngoái.
Kinh tế châu Âu hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của họ sau Mỹ. Các mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc là thiết bị viễn thông, máy móc, thiết bị điện và máy xử lý dữ liệu tự động. Chiều ngược lại, khối bán sang ôtô, thuốc men và các máy móc khác.
Đây đều là những lĩnh vực quan trọng, nếu cản trở hay gián đoạn sẽ gây tổn hại sâu sắc cho nền kinh tế châu Âu. Do đó, những nỗ lực của Mỹ nhằm làm chậm tiến bộ kinh tế và công nghệ của Trung Quốc có thể khiến khối này vạ lây, theo Conversation.
Hôm 6/11, sau thông tin chiến thắng của ông Trump, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Francois Villeroy de Galhau nói thế giới đối diện rủi ro gia tăng và châu Âu cần cải tổ. "Cuộc bầu cử ở Mỹ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh châu Âu", ông nói. Theo Thống đốc, châu Âu đang bước vào bối cảnh mới với những điểm yếu rõ ràng, bao gồm sự lạc hậu về công nghệ và chia rẽ chính trị.
Để ứng phó với rủi ro tăng thuế, Conversation cho rằng EU cần đa dạng hóa thị trường. Ví dụ, họ nên phê chuẩn thỏa thuận Mercosur - hiệp định thương mại với Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay, và theo đuổi các liên minh khu vực khác để giảm sự phụ thuộc vào nhu cầu của Mỹ.
Khối cũng nên cố gắng đàm phán trước khi lựa chọn mức thuế trả đũa. Điều này đã xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đích thân gặp ông để tìm thỏa thuận. Với tính hay thay đổi của Trump, kiểu đàm phán cá nhân này thực sự có thể cần thiết để ông ký kết các hiệp định, chẳng hạn như miễn trừ đối với một số hàng hóa xuất khẩu, theo Conversation.
Ngân hàng Berenberg dự đoán ban đầu Trump sẽ chỉ áp dụng các loại thuế mang tính điểm nhấn và đe dọa sẽ áp thêm nếu Trung Quốc và châu Âu không nhượng bộ nhiều trong các cuộc đàm phán.
Một vấn đề kinh tế lớn khác của châu Âu là tương lai của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022 từ chính quyền Biden, được coi là luật môi trường lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Với nhiều chính phủ châu Âu, IRA rõ ràng vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới và tạo ra các ưu đãi đầu tư vốn có thể đã hướng đến châu Âu.
Mặc dù Trump phản đối IRA, nhiều khoản trợ cấp của nó đã dành cho các bang do đảng Cộng hòa kiểm soát và sẽ khó rút lại. Đồng thời, Trump thể hiện rõ ý định thúc đẩy phát triển nhiên liệu hóa thạch và một lần nữa đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.
Việc Mỹ dao động trong các vấn đề môi trường sẽ củng cố sự phản đối đối với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon của châu Âu. Dù có khả năng rằng châu Âu vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu độc lập năng lượng, các nhà phê bình chính sách xanh sẽ có tiếng nói hơn khi, đặc biệt khi lập luận về vấn đề chi phí.
Theo báo Vnexpress