Khối nợ 1,2 tỷ USD, lợi nhuận lao dốc, dòng tiền âm nặng
Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) là một trong những doanh nghiệp phát triển “nóng”. Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản công ty là 43.752 tỷ đồng, tăng 38.431 tỷ đồng, tương đương 722% so với hồi cuối năm 2018.
Tuy nhiên, Bamboo Capital đang ghi nhận nợ tăng chóng mặt. Hồi cuối quý 3/2022, tổng nợ phải trả của BCG đạt 30.178 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD). Nợ phải trả tại BCG cao gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 69% tổng nguồn vốn công ty.
Một phần không nhỏ nợ của BCG đến từ kênh trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu của BCG là 7.544 tỷ đồng.
Nợ lớn đang gây áp lực lên bức tranh tài chính của công ty. Dành quá nhiều tiền để trả lãi vay nên trong quý 3/2022, BCG chứng kiến lợi nhuận “lao dốc” dù doanh thu tăng mạnh.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 3/2022 của BCG chỉ đạt 39,5 tỷ đồng, giảm 178,5 tỷ đồng, tương đương 81,9% so với cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng đầu năm, tăng từ 701 tỷ đồng lên 885 tỷ đồng.
Lãi ròng BCG “bốc hơi” mạnh dù doanh thu quý 3/2022 cải thiện, tăng 721 tỷ đồng, tương đương 158% lên 1.178 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do doanh thu hoạt động tài chính giảm đáng kể, từ 596 tỷ đồng xuống 434 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh từ 435 tỷ đồng lên 564 tỷ đồng.
Kết quả là công ty thường xuyên âm nặng dòng tiền. Tại ngày 30/9/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BCG là âm 1.872 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 5.187 tỷ đồng. Hồi đầu năm 2022, những con số này là âm 7.009 tỷ đồng và âm 3.131 tỷ đồng.
Cổ phần và tài sản công ty vốn 37,3 tỷ đảm bảo cho lô trái phiếu gần 2500 tỷ đồng
Như đã nêu trên, đóng góp một phần không nhỏ vào khối nợ 1,2 tỷ USD của BCG là trái phiếu. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 của BCG không thuyết minh rõ về các thông tin trái phiếu.
Tuy nhiên, trước đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, một số vấn đề về trái phiếu được nêu cụ thể hơn.
Đáng chú ý nhất là chất lượng tài sản đảm bảo. Chỉ một số lô, tài sản đảm bảo được liệt kê chi tiết. Còn lại, nhiều lô trái phiếu trị giá cả ngàn tỷ, thông tin được đưa ra chỉ là “có tài sản đảm bảo”. Và ngay cả với những lô trái phiếu có tài sản đảm bảo rõ ràng, chất lượng tài sản này cũng là một vấn đề.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, tổng giá trị trái phiếu phát hành của BCG là 8.793 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 2.724 tỷ đồng hồi đầu năm.
Trong đó, có 2 lô trái phiếu tổng trị giá 2495,9 tỷ đồng (lãi suất 10%, kỳ hạn 3 năm). Đây là trái phiếu phát hành riêng lẻ do Công ty chứng khoán Bảo Minh làm đại lý tư vấn, lưu ký, phát hành.
Loại hình trái phiếu của các lô này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng Hợp đồng thế chấp quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Điện gió BCG Khai Long 1 và các Hợp đồng thế chấp cổ phần của các cá nhân góp vốn tại BCG Khai Long 1.
Điều đáng nói ở đây, tài sản đảm bảo là cổ phần và tài sản tại BCG Khai Long 1, một công ty có vốn chủ sở hữu chỉ… 37,3 tỷ đồng.
BCG Khai Long 1 thành lập ngày 17/11/2017 với người đại diện pháp luật là ông Phạm Minh Tuấn. Công ty có bức tranh tài chính vô cùng u ám khi liên tục không phát sinh doanh thu và thua lỗ triền miên với các khoản lỗ 3,8 tỷ đồng (năm 2018), 16,3 tỷ đồng (năm 2019) và 9,9 tỷ đồng (năm 2020).
Tại thời điểm cuối năm 2018 và 2019, vốn chủ sở hữu BCG Khai Long 1 âm 3,8 tỷ đồng và 20 tỷ đồng. Bước sang năm 2020, vốn điều lệ công ty tăng từ 2,3 tỷ đồng lên 64,9 tỷ đồng. Nhờ đó, vốn chủ sở hữu BCG Khai Long 1 không còn âm mà đạt 36,5 tỷ đồng.
Tới ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu BCG Khai Long 1 đạt 37,3 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lại tăng vọt từ 152 tỷ đồng lên 2.866 tỷ đồng.
Với việc chưa từng phát sinh doanh thu (tới năm 2021), vốn chủ sở hữu thấp, thua lỗ triền miên tới mức âm vốn chủ sở hữu và nợ chiếm 98,7% tổng nguồn vốn, cổ phần và tài sản tại BCG Khai Long 1 vẫn được dùng đảm bảo cho 2 lô trái phiếu trị giá gần 2500 tỷ đồng là một điều cần suy xét.