Chạm tới Basel II: Thách thức với Sacombank và nhiều ngân hàng lớn

Theo SHTT 04:40 05/06/2020

Để triển khai thành công Basel II, hệ thống ngân hàng Việt Nam đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức cần giải quyết.

Áp dụng Basel II là yêu cầu tất yếu đối với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Với tinh thần đó, từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng lộ trình triển khai và áp dụng Basel II đối với hệ thống ngân hàng thương mại và đã chọn 10 ngân hàng thương mại thí điểm áp dụng Basel II. Các ngân hàng này gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, ACB, Techcombank, VPBank, VIB và MSB).

Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN, trong đó yêu cầu từ 1/1/2020 các ngân hàng sẽ phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Tiếp đó vào năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 51/NQ-CP, trong đó có nội dung yêu cầu đến 2020, các ngân hàng thương triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II; phấn đấu có 12-15 ngân hàng đáp ứng đủ mức vốn tự có theo chuẩn mực vốn Basel II.

Như vậy có thể thấy, việc triển khai Basel II được coi là giải pháp tái cơ cấu căn bản có tính đột phá, tạo nền tảng cho sự an toàn, phát triển lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Tính đến thời điểm này, mới có 16 (trong tổng số 35 ngân hàng trong nước) đã công bố áp dụng Thông tư 41 gồm Vietcombank, VIB, MB, Techcombank, ACB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, Viet Capital Bank, SeABank, BIDV, LienVietPostBank, NamABank và 2 ngân hàng nước ngoài là ShinhanBank và Standard Chartered Việt Nam.

Vietcombank và VIB là 2 thành viên đầu tiên đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng Thông tư 41 sớm 1 năm so với thời hạn hiệu lực và cũng là 2 ngân hàng đầu tiên đáp ứng chuẩn mực Basel II tại Việt Nam (tháng 11/2018).

Trong nhóm 10 nhà băng được Ngân hàng nhà nước chọn thí điểm thực hiện sớm, Sacombank đến nay vẫn chưa công bố thông tin nào về việc triển khai áp dụng Basel 2. Tuy vậy, Sacombank cho biết sẽ thực thi thông tư 41 theo đúng lộ trình qui định của NHNN từ ngày 1/1/2020.

Với quy mô tổng tài sản trong top lớn nhất nhóm cổ phần tư nhân, vấn đề của Sacombank nằm ở chất lượng tài sản. Những năm qua, Sacombank liên tục phải xử lý các tài sản xấu được hình thành sau khi nhận sáp nhập Southernbank. Trong quá trình xử lý nợ xấu, Sacombank được áp dụng “cơ chế đặc biệt” từ NHNN để hạch toán.

Mặc dù vậy, trong 3 tháng đầu năm 2020, số dư nợ xấu tại Sacombank cũng có xu hướng tăng, đặc biệt tại nhóm nợ có khả năng mất vốn.

Nợ xấu ở nhóm có khả năng mất vốn chiếm tới 85,5% tổng số dư nợ xấu tại Sacombank. Nguồn: BCTC riêng lẻ quý 1/2020.

Cụ thể, tại BCTC riêng lẻ cho thấy, tổng số dư nợ xấu của Sacombank trong quý I/2020 tăng thêm hơn 300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên 5.507 tỷ đồng. Trong số này, mức tăng mạnh nhất xuất hiện ở nhóm nợ có khả năng mất vốn.

Tại thời điểm ngày 31/3/2020, Sacombank có tới hơn 4.710 tỷ đồng nợ xấu ở nhóm có khả năng mất vốn, chiếm tới trên 85,5% tổng số dư nợ xấu tại ngân hàng vào cùng thời điểm.

Chất lượng nợ cho vay và nợ ngắn hạn trong quý I/2020 tại Sacombank. Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2020).

BCTC hợp nhất quý I/2020 cho thấy, nợ xấu nội bảng của ngân hàng ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ xấu gia tăng chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 40%, lên mức hơn 417 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5 - nhóm nợ nguy hiểm nhất) tăng 5%, lên mức 5.232 tỷ đồng. Trong khi đó, cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 3%, lên mức 306.299 tỷ đồng.

Ngoài ra, quy mô các khoản phải thu tại Sacombank vẫn còn lớn, chiếm khoảng 10% tổng tài sản cho thấy ngân hàng vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi áp dụng Basel 2.

Các khoản phải thu và tổng tài sản tại Sacombank. Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2020

Không chỉ riêng Sacombank, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, đặc biệt là Agribank cũng nằm trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Nhà nước nắm 100% vốn của Agribank, trong nhiều năm liền ngân hàng cũng không được phép giữ lại lợi nhuận, nhà băng chỉ có thể tăng vốn bằng cách phát hành trái phiếu.

Theo báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán, tổng tài sản của Agribank lên tới xấp xỉ 1,45 triệu tỷ đồng, cao nhất trong ngành ngân hàng. Dư nợ cho vay của Agribank khoảng 1,1 triệu tỷ đồng - cũng cao nhất hệ thống.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Agribank “bùng nổ” ở mức hơn 13.800 tỷ đồng, chưa kể lợi nhuận năm 2018 đã vượt 10.000 tỷ đồng.

Hiện tại, lộ trình cổ phần hóa tại Agribank đã và đang bị chậm do vướng việc xác định giá trị doanh nghiệp liên quan đến đất đai.

Một vấn đề khác cũng nan giải không kém là xác định giá trị thương hiệu Agribank và giải quyết nợ xấu tồn đọng.

VietinBank cũng đang ở thế khó khi phải còn một quá trình tương đối dài để chạm đến được Basel II. Vướng mắc lớn nhất của "ông lớn" này là vấn đề tăng vốn. Đầu tháng 11/2019, VietinBank đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về việc giữ lại cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn. Kết quả chưa được tiết lộ, song ngay cả trong trường hợp được Bộ Tài chính và Quốc hội cho phép giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn thì VietinBank vẫn trong cảnh “khát vốn".

Nếu như VietinBank và Agribank không tăng được vốn do các vướng mắc về chính sách thì hàng loạt ngân hàng tầm trung, ngân hàng nhỏ không tăng được vốn vì hoạt động kinh doanh chậm và chưa thu hút được nhà đầu tư.

Hiện còn khá nhiều ngân hàng thương mại có vốn điều lệ chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng), trong đó có 1 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng là GPBank (3.018 tỷ đồng). Ngoài ra, một số ngân hàng khác có vốn điều lệ xoay quanh mức 3.000-4.000 tỷ đồng gồm PGBank, Saigonbank, Kienlongbank, Ngân hàng Quốc dân…

Năm 2019 cũng như trước đó, có những thông tin về việc một số ngân hàng đàm phán với đối tác nước ngoài… nhưng đến nay chưa có hiện thực nào về cú hích lớn tái cơ cấu. Trong khi đó, vừa qua đã có trường hợp phải thông báo tìm đối tác có nguồn lực để có thể có một hướng tháo gỡ nào đó.

Minh Quân

Bạn đang đọc bài viết Chạm tới Basel II: Thách thức với Sacombank và nhiều ngân hàng lớn tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Bán tài sản bảo đảm, tăng khả năng dự phòng là các bước đi phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động đáng kể tới chất lượng tài sản và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng.