Tăng vốn điều lệ cho ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng là vấn đề cần thiết với nhóm nhà băng quốc doanh vốn có ít quyền chủ động hơn so với các ngân hàng thương mại.
Với Agribank, do là ngân hàng 100% sở hữu Nhà nước nên vốn điều lệ chỉ có thể được bổ sung từ ngân sách. Tuy nhiên, Agribank chưa được tăng vốn điều lệ trong 9 năm qua khiến tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn sụt giảm mạnh và thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân.
Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn tại cuối năm 2019 chỉ đạt 7,3%, tại cuối tháng 3 chỉ đạt 6,9% - không bảo đảm yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định.
Do chưa đáp ứng chuẩn mực Basel II nên Agribank đang được thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Thông tư 22. Vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn vào cuối 2019 là 9,2%, cận kề ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%) tại Thông tư 22.
Lợi nhuận Agribank giảm 20% nếu không được tăng vốn. Ảnh: T.Thắng |
Chia sẻ với phóng viên, Phó tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng nói, "Nếu không được cấp 3.500 tỷ vốn điều lệ trong năm nay, Agribank tăng trưởng tín dụng cao nhất chỉ 5%, không đạt chỉ tiêu 9-10% mà Ngân hàng Nhà nước giao. Lợi nhuận cũng sẽ giảm hơn 20% về mức 11.000 tỷ".
Trong khi đó, lợi nhuận của Agribank trong năm 2019 tăng tới 90%, đạt 14.177 tỷ đồng, chỉ đứng sau Vietcombank. Lãnh đạo nhà băng cho biết, nếu tăng được vốn, Agribank có dư địa để phát hành trái phiếu bổ sung tăng vốn (50% vốn cấp 1 tăng thêm), tăng tín dụng ở mức 9-10% và doanh thu tăng thêm 4.500 tỷ đến 5.000 tỷ đồng.
Ước tính, lợi nhuận năm 2020 khi được tăng vốn là hơn 12.000 tỷ đồng (tăng thêm 1.000 tỷ đồng so với khi không được bơm vốn), sẽ chỉ giảm 15% so với 2019 trong bối cảnh khó khăn chung của ngành ngân hàng.
Theo đó, Agribank sẽ nộp ngân sách 900 - 1.000 tỷ thuế thu nhập và lợi nhuận còn lại khoảng 1.000-2.000 tỷ. Bên cạnh đó, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Agribank cũng đã tăng từ 5,91% năm 2014 lên 17,6% năm 2019, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) tăng từ 0,35% năm 2014 lên 0,81% năm 2019.
Lãnh đạo Agribank cho biết ngân hàng cũng đã dùng mọi cách để chủ động tăng vốn, tuy nhiên dư địa phát hành trái phiếu cũng gần cạn nên chỉ có cách Nhà nước cấp vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng - đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông thôn. Hiện nay, dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đang của Agribank chiếm 70% tổng dư nợ của ngân hàng và chiếm 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Ngân hàng cho biết cũng đã giảm lãi khoảng 4.260 tỷ để hỗ trợ cho khách hàng theo các chương trình hỗ trợ, cấp bù chênh lệch lãi suất đến cuối 2019 và vẫn có 2.838 tỷ đồng chưa được Ngân sách Nhà nước cấp bù.
Nhận thấy tính cấp thiết của việc tăng vốn cho Agribank nên mới đây, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ tương ứng với lợi nhuận năm 2020 Agribank nộp ngân sách (tối đa 3.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, kế hoạch tài chính quốc gia từ 2016-2020 hiện nay quy định không dùng ngân sách cấp vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại. Vì thế, việc cấp bổ sung vốn cho Agribank từ nguồn ngân sách (có thể từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019) là một trong hai nội dung được bổ sung vào kỳ họp sắp tới.
Theo VN Express