Bổ sung vốn cho Agribank: Ngân sách 'hy sinh' 3.500 tỷ để đẩy nhanh cổ phần hoá

TDVN 16:23 01/06/2020

Agribank có thể sẽ được bổ sung khoảng 3.500 tỷ đồng vốn chủ sở hữu từ ngân sách trong năm 2020. Đây được cho là giải pháp cấp thiết song hành với quá trình cổ phần hoá ngân hàng này.

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội lần này sẽ bàn về đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Quyết tâm của Chính phủ đối với chủ trương tăng vốn cho các NHTM có vốn Nhà nước, đặc biệt Agribank thể hiện rõ từ đầu năm 2020 khi yêu cầu kịp thời tăng vốn điều lệ cho Agribank và các NHTM Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Agribank đang đứng trước nhiều thách thức và cả vận hội trong năm 2020.

Thực tế nhu cầu tăng vốn của các NHTM nhà nước, đặc biệt Agribank là rất bức thiết để đáp ứng các quy định mà NHNN đã đề ra. Năm 2020 là một cột mốc quan trọng với Agribank khi cùng một lúc phải giải nhiều bài toán khó. Liệu bỏ 3.500 tỷ đồng ngân sách vào Agribank có phải là chiếc chìa khoá vạn năng?

Vấn đề tăng vốn cho Agribank đặt ra từ lâu, đặc biệt từ năm 2018 - khi đó vốn điều lệ của ngân hàng này là 30.600 tỷ đồng, thấp nhất trong số Big 4 và chỉ số an toàn vốn cũng không thỏa mãn được tiêu chí 9% theo quy định hiện hành. Agribank đã đề nghị được tăng vốn thêm 12.500 tỷ đồng để có thể đáp ứng chuẩn Basel II với hệ số CAR là 8%.

Chung nhận định với nhiều chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc bổ sung vốn cho Agribank thời điểm này là rất cần thiết để đạt chỉ tiêu an toàn vốn là 8%, đáp ứng yêu cầu của Thông tư 41.

"Việc bổ sung vốn ngân sách cho Agribank khoảng 3.500 tỷ đồng tuy trước mắt sẽ tăng thêm nguồn chi ngân sách hay tạm thời thiệt hại cho ngân sách 3.500 tỷ đồng, nhưng nó có lợi cho Agribank để đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, đây là một ngân hàng mang nhiều ý nghĩa là ngân hàng chính sách, hoạt động ít lãi và nhiều nợ xấu. Vì vậy, việc bổ sung vốn trước thềm cổ phần hoá là rất quan trọng để thu hút đầu tư xã hội. "Nếu không làm được điều này, cổ phần hoá Agribank rất có thể sẽ gặp nhiều trở ngại khi bị thị trường đánh giá là có sức khoẻ yếu".

"Bổ sung vốn cho Agribank thời điểm hiện tại có thể gây thiệt hại cho ngân sách, nhưng nó là giải pháp duy nhất để hỗ trợ ngân hàng này cổ phần hoá thành công", ông Hiếu nhấn mạnh.

Bổ sung 3.500 tỷ đồng đã đủ để giải bài toán Agribank?

Vấn đề cổ phần hoá Agribank đã được đặt ra trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tại Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Agribank cho biết đang chuẩn bị cho cổ phần hóa khi đủ điều kiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Agribank cũng đề ra một số nhóm giải pháp chủ yếu để làm được việc này, đáng chú ý là giải pháp thu hẹp đầu tư thương mại và tăng cường quản lý các công ty con.

Agribank là một trong những ông lớn ngân hàng nhà nước vướng nhiều sai phạm được đưa ra ánh sáng. Đặc biệt trong đó là việc quản lý các công ty con.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Agribank tồn tại không ít hạn chế khi theo báo cáo tài chính năm 2017, Agribank đầu tư hơn 2.390 tỷ đồng vào công ty con nhưng cổ tức và lợi nhuận được chia chỉ 12 tỷ đồng. 5 trong 6 công ty con này lỗ lũy kế và Agribank phải trích lập dự phòng hơn 30% giá trị đầu tư.

Điển hình trong số này là ALC II lỗ đến 12.464 tỷ đồng và đã thực hiện thủ tục phá sản, ALC I lỗ hơn 713 tỷ đồng, Chứng khoán Ngân hàng Nhà nước lỗ gần 470 tỷ đồng...

Agribank cũng được nhắc vì phân loại nợ chưa phù hợp nên Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 hơn 1.250 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2, 3 và 5 tổng cộng hơn 1.355 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác.

Tuy còn tồn tại nhiều vấn đề nhưng các năm trở lại đây, Agribank đã có nhiều nỗ lực để tăng trưởng lợi nhuận, giảm tỷ lệ nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu lên đến 10% đã không còn là ám ảnh của Agribank khi trong những năm gần đây nợ xấu chỉ còn dưới 3%, năm 2018 là 1,6%. Theo bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank thì năm 2019 tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ còn 1,4%.

Lợi nhuận của Agribank cũng có nhiều cải thiện từ năm 2018 trở lại đây khi liên tục báo lãi lớn trên 10.000 tỷ đồng. Cũng theo vị Phó Tổng giám đốc Agribank, năm 2019 lợi nhuận ngân hàng đạt 12.700 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra 2.700 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 1,45 triệu tỷ đồng xấp xỉ BIDV, là 1 trong 2 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nhìn vào hoạt động của Agribank có thể thấy những vấn đề tương tự như BIDV là có tổng tài sản lớn nhưng tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) lại thấp. Dù lợi nhuận liên tục tăng mạnh, năm 2019 là kỷ lục thì tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản của Agribank vẫn chỉ đạt khoảng 0,75%, nằm trong nhóm thấp nhất hệ thống.

Việc cổ phần hoá được kỳ vọng sẽ mang tới nhiều lợi thế cho Agribank khi có thể nâng cao độ minh bạch, tái cấu trúc hoạt động theo hướng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc nhà nước chỉ giữ lại tối thiểu 65% vốn tại Agribank lại sẽ ảnh hưởng nhiều tới cho vay theo chính sách. Đây là 2 vấn đề lớn mâu thuẫn nhau và cần có sự cân nhắc của Chính phủ, Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, nếu Chính phủ vẫn muốn có một ngân hàng để phục vụ cho chính sách nông nghiệp thì không nên cổ phần hoá Agribank, còn nếu đã cổ phần hoá, để tư nhân vào đồng sở hữu thì cần có một sân chơi công bằng cho các nhà đầu tư. Theo đó, có những quyết định đòi hỏi phải có sự đồng thuận đa số tuyệt đối, thì Chính phủ không thể nào dùng 65% cổ phần chi phối để quyết định được.

Nói về chuyện cổ phần hoá Agribank có vị ví rằng, Agribank như bác nông dân ra thành phố vậy. Vấn đề không phải chỉ là ở bộ quần áo, mà nó là bản chất. Muốn thành người thành thị phải học lại từ đầu và buộc phải có sự thay đổi lớn từ tái cấu trúc hệ thống, tái cấu trúc các khoản dư nợ.

Theo Nhà đầu tư

Link gốc : https://nhadautu.vn/bo-sung-von-cho-agribank-ngan-sach-hy-sinh-3500-ty-de-day-nhanh-co-phan-hoa-co-phai-chia-khoa-van-nang-d37915.html

Bạn đang đọc bài viết Bổ sung vốn cho Agribank: Ngân sách 'hy sinh' 3.500 tỷ để đẩy nhanh cổ phần hoá tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức