Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021. Điểm nhận được nhiều chú ý nhất trong báo cáo này là thu nhập của lãnh đạo công ty.
Theo báo cáo tài chính, trong năm 2021, Coteccons đạt doanh thu 9.077 tỷ đồng, giảm 37,64% so với năm liền trước. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 24,1 tỷ đồng, trong khi năm 2020, con số này lên tới 334,5 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 92,79%. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế còn vỏn vẹn 24 tỷ đồng trong khi năm 2020 đạt 334 tỷ đồng. Đây cũng là lợi nhuận thấp nhất kể từ khi Coteccons niêm yết trên sàn chứng khoán, đồng thời khiến công ty mất vị trí đầu bảng trong nhóm các nhà thầu xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Lý giải nguyên nhân, Coteccons cho biết, doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của doanh nghiệp giảm mạnh do doanh thu mảng xây dựng của tập đoàn giảm mạnh 5.480 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 37,64% so với năm 2020.
Cùng với đó, chí phí nguyên vật liệu, nhân công tăng cao, ảnh hưởng từ dịch Covd-19, ban điều hành chủ động lập dự phòng cho các công trường có rủi ro cao dẫn đến biên lãi gộp của tập đoàn giảm từ 5,88% xuống 3,03%.
Đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính năm 2021 của Coteccons là mức thu nhập của các lãnh đạo. Tổng thu nhập lãnh đạo CTD năm 2021 đạt 34 tỷ đồng trong khi con số này trong năm 2020 là gần 30 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó, Chủ tịch Bolat Duisenov năm 2021 chỉ nhận mức lương hơn 200 triệu đồng, tương ứng 16,7 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập thấp so với vị trí Chủ tịch một tập đoàn xây dựng.
Hồi cuối tháng 11, trước nhiều bất đồng trong nội bộ cổ đông, ông Bolat Duisenov đã cam kết nhận mức lương 1 USD cho đến khi tình hình kinh doanh khả quan và đăng ký mua vào 740.000 cổ phiếu CTD. Tuy nhiên ông chỉ mua được 77% khối lượng đã đăng ký do điều kiện thị trường không phù hợp.
Cũng ở vị trí này, năm 2020, ông Nguyễn Bá Dương nhận mức lương 6,94 tỷ đồng, tương ứng gần 580 triệu đồng/tháng. Mức này cao gấp gần 35 lần Chủ tịch Coteccons hiện tại.
Trong khi đó, các Phó Tổng Giám đốc Coteccons đều có mức thu nhập từ 2-5 tỷ đồng/năm. Hai người có mức thu nhập cao nhất là cựu Phó Tổng Giám đốc Trần Trí Gia Nguyên (6,4 tỷ đồng) và Phan Hữu Duy Quốc (6,1 tỷ đồng) đều đã từ nghiệm.
Ông Duisenov trở thành chủ tịch của Coteccons từ tháng 10/2020 sau khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương từ nhiệm sau nhiều năm không tìm được tiếng nói chung giữa ban lãnh đạo và cổ đông. Doanh nhân người Kazakhstan cũng là CEO Kusto Việt Nam, nhóm cổ đông ngoại có tỉ lệ cổ phần lớn nhất tại Coteccons.
Hàng loạt nhân sự cấp cao của Coteccons gắn bó dưới thời ông Nguyễn Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT cũng rời đi sau đó và nhà thầu xây dựng này phải bổ nhiệm loạt lãnh đạo mới. Hiện công ty này vẫn để trống ghế tổng giám đốc sau khi quyền Tổng Giám đốc Võ Thanh Liêm rời đi.
Trong cuộc họp hồi tháng 12, nhiều câu hỏi đặt ra cho Chủ tịch Coteccons liên quan đến vị trí Tổng Giám đốc đang bỏ ngỏ. Ông Bolat Duisenov trả lời: "Với một tổ chức có văn hóa hình thành 17 năm sẽ rất khó để tìm một CEO phù hợp. Ngay cả khi vị trí CEO bị khuyết thì hệ thống phòng, ban của Coteccons vẫn vận hành mà không hề gặp khó khăn nào".
Bước sang năm 2022, Coteccons ghi nhận lần đầu vay nợ. Với 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành hồi tháng 1/2022, Coteccons đã phát sinh khoản nợ vay tài chính lần đầu tiên, kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu công bố báo cáo tài chính.
Cổ phiếu CTD hiện đạt 98.200 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 1/4). Mã này đang có chuỗi tăng ấn tượng trong tuần qua. Tuy nhiên, so với hồi đầu năm, thị giá CTD vẫn đang giảm khoảng 10%.