Khát vọng… luồng xanh
“Giá như thêm nhiều dự án đầu tư có thể được đi vào luồng xanh!”. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên viên Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cảm thán sau khi kết thúc phần trình bày về hành trình mà bà gọi là gian nan khi triển khai dự án đầu tư.
Trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật năm 2024 mà VCCI vừa công bố, thủ tục đầu tư luồng xanh được chọn là điểm sáng không nhiều. Đây là thủ tục đầu tư đặc biệt vừa được ban hành theo Luật 57/2024/QH15 sửa đổi Luật Đầu tư, có hiệu lực vào đầu năm nay.
Theo thủ tục này, nhà đầu tư chỉ cần hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy phép môi trường. Các yêu cầu về quản lý liên quan xây dựng, phòng cháy chữa cháy, thẩm định khoa học và công nghệ… sẽ được thực hiện thông qua cơ chế hậu kiểm. Theo tính toán của chính Ban Soạn thảo luật này trong phần đánh giá tác động, so với quy trình bình thường, thủ tục luồng xanh giảm 260 ngày, chỉ còn 15 ngày. Tuy vậy, việc áp dụng quy trình này đang giới hạn, chủ yếu áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể và trong phạm vi một số khu vực như khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Nhưng ngay cả 260 ngày giả định tiết kiệm được, có nghĩa là các nhà đầu tư thực hiện các dự án bình thường phải trải qua, cũng khó xác định chính xác.
Lấy một dự án đầu tư có sử dụng đất, các chuyên gia VCCI đã vẽ lại con đường mà nhà đầu tư phải đi, từ giai đoạn chuẩn bị (từ ý tưởng đến triển khai dự án), giai đoạn thực hiện và giai đoạn vận hành. Chỉ riêng giai đoạn chuẩn bị, nhà đầu tư phải thực hiện ít nhất 15 thủ tục, liên quan nhiều văn bản pháp luật (đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, quy hoạch, phòng cháy chữa cháy…) và làm việc với nhiều cơ quan nhà nước ở cả Trung ương và địa phương. Dù Chính phủ đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, một số dự án vẫn phải thực hiện thủ tục ở cả hai cấp.
“Đây là giai đoạn chủ đầu tư mất nhiều thời gian nhất và thực hiện nhiều thủ tục nhất. Việc xem xét thực hiện dự án đầu tư có kéo dài hay không phần lớn ở giai đoạn này. Vấn đề là, có nhiều văn bản đang điều chỉnh một dự án, khiến doanh nghiệp không dễ dàng nắm bắt và thực hiện. Đơn cử, một dự án đầu tư có sử dụng đất phải chịu sự điều chỉnh của 12 luật, 20 nghị định, thông tư, chưa kể văn bản cấp địa phương, chưa kể các văn bản sửa đổi liên tục…”, bà Hồng phân tích.
Điều đáng nói, theo phát hiện của các chuyên gia VCCI, không có văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng các giai đoạn và thủ tục cụ thể cho một dự án đầu tư. Nhà đầu tư phải tự đọc và hiểu các văn bản pháp luật liên quan. Điều này đặc biệt khó khăn với nhà đầu tư mới hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Chưa kể, một số thủ tục không quy định thời hạn, như đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mà phụ thuộc hoàn toàn vào địa phương; hoặc có thời hạn, nhưng có thể kéo dài mà không rõ điều kiện hoặc thời gian kéo dài, như thời gian thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, gây ảnh hưởng đến các thủ tục khác do kết quả thủ tục này phụ thuộc vào thủ tục kia…
“Chúng tôi đã khảo sát, thời gian thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất dao động từ 18 đến 24 tháng nếu nhanh, còn trung bình là 2-3 năm mới xong các thủ tục để triển khai dự án, thậm chí lâu hơn”, bà Hồng cho biết.
Áp lực từ các thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn
Có lẽ phải nhắc lại tỷ lệ 73% doanh nghiệp đã phải trì hoãn hoặc hủy kế hoạch kinh doanh do khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đai. Đây là kết quả từ cuộc khảo sát khoảng 10.000 doanh nghiệp của Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 cũng do VCCI thực hiện, công bố 1 năm trước.
Theo khảo sát này, 64% doanh nghiệp than phiền về thời gian giải quyết thủ tục dài hơn quy định; 44% cho rằng, thủ tục xác định giá đất rất mất thời gian.
Tình hình có thể sẽ khác trong lần công bố PCI năm 2024, sẽ diễn ra vào đầu tháng 5/2025, do từ tháng 8/2024, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực, tháo gỡ nhiều vướng mắc, chồng chéo trước đó.
Khẳng định điều này, song luật sư Phạm Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), chuyên gia pháp lý bất động sản động vẫn thấy còn vấn đề cần tháo gỡ, đặc biệt là sự chưa rõ ràng về đấu giá quyền sử dụng đất khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, cũng như tiếp tục chưa rõ hình thức lựa chọn nhà đầu tư và việc tiếp cận đất đai với dự án sân golf…
Theo phân tích của ông Tuấn, Điều 125, Luật Đất đai quy định, chỉ đấu giá đối với giao đất thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần. Tuy nhiên, Nghị định 103/2024/NĐ-CP (Điều 26, 32) lại yêu cầu đấu giá cả trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm, gây lúng túng cho địa phương khi thực hiện.
Tương tự, khoản 7, Điều 79, Luật Đất đai quy định, Nhà nước thu hồi đất cho các dự án thể dục, thể thao, nhưng không rõ sân golf có thuộc nhóm này hay không.
“Một số địa phương, như Thái Bình, coi sân golf là dự án thể dục, thể thao, cho phép Nhà nước thu hồi đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (như với dự án sân golf Cồn Vành), nhưng các địa phương khác, như Quảng Ninh, lại yêu cầu doanh nghiệp tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất, gây ra cách tiếp cận không thống nhất”, ông Tuấn chia sẻ.
Rõ ràng, dù Chính phủ đã tiến hành nhiều đợt rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm loại bỏ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo và cụ thể hóa các quy định, đặc biệt là đối với thủ tục hành chính, song quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và hợp lý vẫn tồn tại. Thực trạng này gây ra nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, do sự lúng túng trong việc áp dụng quy định từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại rằng, trong bối cảnh quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang có xu hướng rút ngắn về thời gian và được thực hiện nhanh chóng, nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền, thì nguy cơ phát sinh các quy định không thống nhất vẫn luôn hiện hữu.
Đặc biệt, rà soát của VCCI còn nhắc đến năng lực thực thi chính sách tại các địa phương như một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến mức độ thuận lợi trong quá trình triển khai dự án đầu tư. “Qua phỏng vấn, năng lực thực thi của địa phương ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ triển khai dự án, đặc biệt trong các vấn đề như giao đất và giải phóng mặt bằng. Ví dụ, một chủ đầu tư phản ánh rằng, họ được chấp thuận chủ trương đầu tư cho hạ tầng khu công nghiệp, đã giải phóng hơn nửa diện tích đất và đề nghị giao đất để san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, địa phương từ chối vì theo quy hoạch 1/500, các công trình hạ tầng chung (như trạm xử lý rác, nước thải) nằm trong khu vực chưa giải phóng mặt bằng. Địa phương yêu cầu nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch 1/500 và đăng ký đầu tư để phân kỳ đầu tư, dẫn đến việc phải thực hiện lại nhiều thủ tục, kéo dài thời gian…”, bà Hồng chia sẻ thông tin từ khảo sát.
Trong bối cảnh hoạt động phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh, phần lớn thủ tục liên quan đến thực hiện dự án đầu tư do chính quyền địa phương nơi có dự án đảm nhiệm, nên năng lực thực thi của địa phương quyết định tính thuận lợi của dự án.
Đề xuất cẩm nang cho nhà đầu tư
“Cần một văn bản hướng dẫn tổng quát về quy trình đầu tư, cụ thể là ban hành tài liệu chính thức, liệt kê các thủ tục, trình tự, cơ quan liên quan cho từng loại dự án đầu tư, như một cẩm nang cho nhà đầu tư”, bà Hồng nói và cho biết, đề xuất này của VCCI sẽ được gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Mục tiêu là tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai dự án đầu tư, từ đó sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng cao và dài hạn trong giai đoạn tới. Vì vậy, bà Hồng cho rằng, rất cần xây dựng một tài liệu hướng dẫn quy trình thực hiện dự án đầu tư, trong đó xác định rõ các giai đoạn triển khai, các thủ tục mà nhà đầu tư phải thực hiện, cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thời hạn xử lý từng bước. Tài liệu này nên được công khai trên các cổng thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư để đảm bảo tính minh bạch, dễ tiếp cận và hỗ trợ hiệu quả cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
Cùng với đó, VCCI đề xuất đơn giản hóa hệ thống pháp luật, trên cơ sở gộp hoặc loại bỏ các văn bản chồng chéo, xây dựng một văn bản hướng dẫn tổng quát về quy trình đầu tư. Việc tăng cường công nghệ số, phát triển cổng thông tin trực tuyến, cung cấp thông tin cập nhật về quy định pháp luật và trạng thái thủ tục đầu tư cũng cần được triển khai thực hiện sớm.
“Trước mắt, theo tôi, nên mở rộng quy trình đầu tư đặc biệt, áp dụng cho nhiều lĩnh vực và địa bàn hơn, đồng thời đảm bảo cơ chế hậu kiểm hiệu quả’, bà Hồng khuyến nghị.