Bước ngoặt cải cách

Ngày 24/4/2025, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo “Luật 57/2024/QH15 của Quốc hội và những chính sách mới về hoạt động đầu tư”.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho rằng, Luật số 57/2024/QH15 tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả.

Sự chuyển đổi này không chỉ dừng ở các chính sách ưu đãi mà còn thể hiện qua tư duy lập pháp mới. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và tài chính của Quốc hội, nhấn mạnh: Tư duy lập pháp đã chuyển từ "không quản được thì cấm "sang kiến tạo và thúc đẩy phát triển, với trọng tâm là phân cấp, phân quyền”. Trong bối cảnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định vĩ mô, Luật 57/2024/QH15 là minh chứng cho nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ giai đoạn 2024-2025.

Luật 57 hoàn thiện hệ thống pháp luật qua hàng loạt thay đổi đột phá. Nổi bật là “Thủ tục đầu tư đặc biệt”, áp dụng cho các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu kinh tế, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt và thu hút nhà đầu tư chiến lược. Quỹ Hỗ trợ đầu tư, một điểm mới trong Luật Đầu tư, được thiết kế để lôi kéo các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Theo ông Hiếu, các sửa đổi trong Luật Đất đai tạo điều kiện cho dự án nhà ở thương mại và khu đô thị thông qua cơ chế thu hồi đất, thỏa thuận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất linh hoạt hơn. Đồng thời, Luật Đấu thầu và Luật Đấu giá tài sản được cập nhật, làm rõ quy trình đấu giá, đấu thầu dự án sử dụng đất, tăng tính minh bạch. Các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Chứng khoán và Luật Địa chất và Khoáng sản cũng được điều chỉnh để đồng bộ hóa hệ thống pháp lý. Đặc biệt, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn mới ban hành quy định rõ các loại quy hoạch và cách xử lý mâu thuẫn, đảm bảo sự thống nhất trong triển khai dự án.

Thu hút đầu tư và tầm nhìn hội nhập toàn cầu

Điểm nhấn của Luật 57/2024/QH15 là đặt nền móng cho những sáng kiến chiến lược, nổi bật là đề xuất thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Trung tâm với 15 nhóm chính sách đặc thù, bao gồm ưu đãi về thuế, ngoại hối, ngân hàng, thị trường vốn và cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt. Đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động trong khu vực Trung tâm sẽ được phép thành lập công ty theo mô hình công ty mẹ sở hữu cổ phần hoặc vốn góp cần thiết tại các công ty khác như doanh nghiệp nội địa mà không cần thủ tục đầu tư phức tạp, đồng thời áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế.

Ông Phan Đức Hiếu chia sẻ, Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ thu hút các tổ chức tài chính đa quốc gia, thúc đẩy kinh tế thông qua thu hút đầu tư nước ngoài mà còn nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính khu vực. Dự kiến Nghị quyết đặc thù cho Trung tâm tài chính được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, sau quá trình thảo luận và hoàn thiện.

Giới doanh nghiệp cũng đang tích cực tìm cách tận dụng các cơ hội từ Luật 57. Bà Hương Trần, đại diện Công ty luật PHM AIP bày tỏ: “Chúng tôi quan tâm đến Trung tâm tài chính quốc tế và cần biết doanh nghiệp tư vấn nên chuẩn bị gì để tham gia, cũng như các đối tượng nào được hưởng lợi ngoài tổ chức tài chính”. Câu hỏi này phản ánh sự háo hức của giới doanh nghiệp trước các chính sách mới.

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, Trung tâm tài chính không giới hạn đối tượng tham gia, tập trung phát triển dịch vụ tài chính giá trị gia tăng để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp trong khu vực sẽ tiếp cận dịch vụ tài chính thuận lợi hơn, nhưng các doanh nghiệp ngoài khu vực vẫn có thể hưởng lợi, dù mức độ khác nhau.

Dù mang lại nhiều cơ hội, Luật 57 cũng đặt doanh nghiệp và cơ quan quản lý trước những thử thách không nhỏ. Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, trong hơn 30 năm hoạt động, VIAC đã tiếp nhận và giải quyết hơn 3.400 vụ tranh chấp, trong đó hơn một nửa là các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bao gồm các bên là doanh nghiệp FDI hoặc các giao dịch xuyên biên giới.

Với Luật 57, ông Bắc dự đoán xu hướng tranh chấp sẽ gia tăng do các quy định mới về ngành nghề đầu tư có điều kiện, có thể khiến một số doanh nghiệp không còn đủ điều kiện pháp lý, dẫn đến rủi ro bị thu hồi giấy phép hoặc tranh chấp với cơ quan nhà nước. Trong các dự án PPP, tranh chấp có thể phát sinh từ sự thiếu đồng bộ trong thực thi hoặc cơ chế phân chia rủi ro không rõ ràng.

“Các doanh nghiệp cần chủ động rà soát, cập nhật những thay đổi của pháp luật, đồng thời cân nhắc các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả nhằm kiểm soát rủi ro” - ông Bắc khuyến nghị.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Quốc hội sẽ tiếp tục rà soát các luật liên quan như: Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Khoa học công nghệ, nhằm tạo hệ sinh thái pháp lý đồng bộ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “minh bạch và đồng bộ trong thực thi là yếu tố quyết định thành công”.

Luật 57/2024/QH15 không chỉ là công cụ tháo gỡ điểm nghẽn mà còn là lời khẳng định tham vọng của Việt Nam: từ một điểm đến đầu tư tiềm năng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính khu vực. Với các cơ chế đột phá như “Thủ tục đầu tư đặc biệt” và Trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam đang mở rộng cánh cửa chào đón các nhà đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng, doanh nghiệp cần nắm bắt nhanh các quy định mới, tham gia các hội thảo và chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi pháp lý.

Hành trình phía trước đòi hỏi sự đồng lòng từ Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp. Với Luật 57, Việt Nam đã đặt nền móng thể chế vững chắc – giờ là lúc cùng nhau xây dựng tương lai.