Tính đến ngày 20/6, Việt Nam thu hút được 15,27 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, lĩnh vực chế biến chế tạo thu hút 6,97 tỷ USD, với 273 dự án mới (3,09 tỷ USD) và 286 dự án hiện hữu (vốn tăng thêm 3,38 tỷ USD).
Trong 6 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực sản xuất khoảng 3,38 tỷ USD, cao hơn con số 3,23 tỷ USD ở cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo từ Savills, Bắc Giang có số vốn đăng ký mới cao nhất với 589 triệu USD, tiếp sau là Quảng Ninh với 569 triệu USD và Bắc Ninh với 222 triệu USD, Bình Dương là 208 triệu USD.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, có 1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (giảm 37,9%), tổng vốn đăng ký đạt 10,13 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ); 561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn (giảm 9,4%), vốn tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD (giảm 3,7% so với cùng kỳ); 2.403 lượt góp vốn, mua cổ phần (giảm 46,1%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,05 tỷ USD (giảm 55,8% so với cùng kỳ).
Xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD và gần 631 triệu USD...
Nhóm địa phương có thế mạnh về BĐS công nghiệp vẫn dẫn đầu về thu hút FDI |
Trước đó, theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2021 Hà Nội thu hút được 519,2 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Về chi tiết, trong đó có 139 dự án đăng ký mới với số vốn đầu tư 76,8 triệu USD, và 63 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư, với 442,4 triệu USD.
Tính riêng trong tháng 5/2021, Hà Nội có 16 dự án FDI được cấp phép mới, với tổng vốn đăng ký đạt 5,3 triệu USD của 14 dự án 100% vốn FDI và 2 dự án liên doanh, liên kết. Số dự án còn lại được điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với số vốn đầu tư đăng ký đạt 184 triệu USD.
So sánh với những tháng cùng kỳ năm 2020 đạt 1.056 tỷ USD, thì số vốn thu hút FDI của Hà Nội đã giảm hơn một nửa trong 5 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư FDI của Hà Nội cũng thua xa các địa phương khác. Chẳng hạn như Thành phố Hồ Chí Minh thu hút hơn 1,34 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2021, tương tự là Long An với 3,35 tỷ USD, Bình Dương với 1,25 tỷ USD.
Chất lượng dự án mới có vốn đầu tư FDI của Hà Nội cũng chứng kiến sự thụt lùi so với các tỉnh thành khác. Với 139 dự án mới cùng số tiền đầu tư khiêm tốn 76,8 triệu USD, trung bình mỗi dự án FDI đầu tư vào Hà Nội trong 5 tháng đầu năm có quy mô vốn cỡ 553 nghìn USD, tức là chỉ đạt quy mô "siêu nhỏ". Trong khi đó, Tp.HCM có có 187 dự án cấp với vốn đăng ký đạt 378,8 triệu USD - gấp gần 5 lần về giá trị thu hút vốn FDI so với Thủ đô.
Theo nhiều chuyên gia, có nhiều nguyên nhân để dòng vốn FDI tiếp tục đi vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam. Trước hết, Việt Nam có sự ổn định về chính trị vững chắc, có sự đoàn kết, quyết tâm phòng chống và khống chế dịch bệnh Covid-19 rất hiệu quả, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức khá cao trong khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đang suy giảm. Lạm phát được giữ ổn định, thị trường tài chính tiền tệ không có các biến động lớn. Nhờ các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định cần thiết.
Theo Doanh nhân Việt Nam