Khôi phục thị trường bất động sản, cần kỳ vọng vào dòng vốn FDI?

NHVN 19:19 30/07/2021

Cục đầu tư nước ngoài - Bộ KHĐT vừa đưa ra báo cáo thống kê 7 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê, trong 18 ngành lĩnh vực thu hút đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Và tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ. Trong đó, với lĩnh vực bất động sản mặc dù vẫn giữ thứ tự cao nhưng Việt Nam không có dự án mới, có vốn "khủng" đổ vào bất động sản như các năm trước. Điều này khiến vốn ngoại giảm mạnh thời gian qua.

Lượng vốn FDI vào bất động sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 1,17 tỷ USD, giảm hơn 1,6 tỷ USD, tương đương khoảng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối tác tiềm năng phần lớn đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong năm 2020, dù bối cảnh đại dịch song Việt Nam vẫn có một số dự án bất động sản được nhà đầu tư ngoại tăng vốn như Khu đô thị trung tâm Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, không có nhiều đại dự án tăng thêm vốn, chỉ có những dự án cấp mới, chờ kế hoạch khởi công.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, giữa vòng xoáy của dịch Covid-19, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam vẫn khởi sắc, đạt hơn 15 tỷ USD. Bất động sản vẫn là lĩnh vực đón lượng vốn ngoại lớn thứ 3, với số vốn hơn 1,15 tỷ USD. Con số này tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng 300 triệu USD.

Dòng vốn FDI đang giảm nhưng vẫn luôn là tín hiệu sáng cho thị trường BĐS (Ảnh minh họa)

Theo nhiều chuyên gia, có nhiều nguyên nhân để dòng vốn FDI tiếp tục đi vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam. Trước hết, Việt Nam có sự ổn định về chính trị vững chắc, có sự đoàn kết, quyết tâm phòng chống và khống chế dịch bệnh Covid-19 rất hiệu quả, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức khá cao trong khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đang suy giảm. Lạm phát được giữ ổn định, thị trường tài chính tiền tệ không có các biến động lớn. Nhờ các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định cần thiết.

Đồng thời, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng… nhu cầu về nhà ở của Việt Nam sẽ còn rất lớn trong tương lai. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại cũng đang tăng nhanh, nhất là nhu cầu thuê căn hộ, khách sạn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế tại các đô thị lớn cũng như các khu du lịch trên địa bàn cả nước.

Hơn nữa, trong nhiều năm qua Việt Nam cũng là quốc gia tích cực cải thiện môi trường đầu tư, liên tiếp được các tổ chức quốc tế nâng hạng về môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, thị trường bất động sản vẫn thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Mặt khác, Việt Nam đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản các khu công nghiệp, đầu tư và đưa vào sử dụng hàng nghìn ki-lô-mét đường cao tốc liên vùng, giúp thúc đẩy sự giao lưu kinh tế – văn hóa thuận tiện giữa các vùng trong cả nước.

Dẫn đầu về “sức hút” đầu tư thị trường vẫn là bất động sản công nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra số liệu, tính đến quý I/2021 cả nước có 370 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115.200ha. Trong đó, 328 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 34 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh thế cửa khẩu.

Cũng trong quý I/2021, hàng chục dự án công nghiệp tại 13 tỉnh và thành phố đã được phê duyệt, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn ha diện tích công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong những năm tới.

Trong đó, Bắc Ninh là tỉnh có số lượng dự án tương lai lớn nhất với 5 khu công nghiệp mới. Cụ thể, khu công nghiệp Quế Võ III sẽ được đầu tư thêm 208.54ha diện tích, với tổng số vốn là 120,87 triệu USD. Bắc Ninh cũng sẽ đón chào dự án khu công nghiệp Gia Bình II có diện tích quy hoạch 208,54ha, đầu tư bởi Tập đoàn Hanaka với tổng vốn đầu tư 172,17 triệu USD.

Quảng Trị dự kiến cũng sẽ có thêm các khu công nghiệp mới như khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú với diện tích 529ha. Thêm vào đó, dự án khu công nghiệp Quảng Trị có diện tích 481,2ha cũng được phê duyệt với tổng vốn 90,17 triệu USD.

Tại Vĩnh Phúc, các dự án khu công nghiệp như Sông Lô, Tam Dương 1 và Thái Hoà – Liên Sơn – Liên Hoà với tổng diện tích lên tới 500ha cũng sẽ được giới thiệu trong thời gian tới.

Nhiều dự án mới cũng dự kiến sẽ sớm được triển khai tại các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long.

Trong khi đó ở khu vực phía Nam, Đồng Nai đã công bố kế hoạch xây dựng ba khu công nghiệp mới với tổng diện tích 6.475ha nhằm giải quyết vấn đề quá tải của các dự án đang hoạt động.

Long An dự kiến sẽ có dự án công nghiệp mới giá trị 59 triệu USD tại huyện Đức Hoà. Theo Ban quản lý Khu kinh tế Long An, tỉnh dự kiến sẽ có thêm khoảng 1.500ha diện tích đất giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/khoi-phuc-thi-truong-bds-can-ky-vong-vao-dong-von-fdi-36036.html?fbclid=IwAR2xUURRtl9WxIpmbAgSW37IpERB6KZdVVDoyWG80prwN7JVdPbk8lUPefI

Bạn đang đọc bài viết Khôi phục thị trường bất động sản, cần kỳ vọng vào dòng vốn FDI? tại chuyên mục Tài chính doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính doanh nghiệp